Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp

Năm 2021, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã hỗ trợ 7 dự án, với tổng số tiền 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, trung tâm còn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, giúp thanh niên vững tin trên bước đường lập nghiệp.

 

Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhiều dự án mở rộng sản xuất - kinh doanh của thanh niên đã được thực hiện.

Hỗ trợ kịp thời

Những năm gần đây, phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia. Nhiều mô hình được hình thành và phát triển trên cơ sở tận dụng lợi thế, tiềm năng của địa phương và gặt hái được những thành công bước đầu. Tuy nhiên, trong quá trình khởi nghiệp, vấn đề về vốn là khó khăn mà thanh niên khi tham gia khởi nghiệp thường gặp. Đặc biệt từ đầu năm 2021 đến nay, hoạt động khởi nghiệp có phần trầm lắng. Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh, khởi nghiệp của thanh niên, một số dự án phải tạm dừng và chuyển đổi hình thức.

Thành lập năm 2017, Cơ sở điêu khắc Út Trắng (xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) là đơn vị chuyên sản xuất - kinh doanh (SXKD) các mặt hàng mộc mỹ nghệ, như: Tủ, bàn, ghế; gia công các sản phẩm điêu khắc, tượng gỗ... Anh Lê Hùng Sức (chủ Cơ sở điêu khắc Út Trắng) cho biết, trong quá trình hoạt động, cơ sở gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, thời điểm dịch bệnh COVID-19 khiến việc SXKD gặp bất lợi. Tháng 10-2021, được sự hỗ trợ Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, anh Sức được hỗ trợ vay 40 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn này giúp xưởng sản xuất của anh từng bước khôi phục các hoạt động SXKD. 

Tháng 10-2021, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã giải ngân số tiền 60 triệu đồng cho dự án ươm nuôi và kinh doanh cá 7 màu Guppy công nghệ mới của anh Nguyễn Thứ Lễ (TP. Long Xuyên). Anh Lễ cho biết, nguồn vốn hỗ trợ này đã tạo điều kiện cho anh mở rộng SXKD, đồng thời trang bị thêm máy móc, thiết bị phục vụ cho việc ươm, nuôi cá cảnh...

Ngoài dự án đã được hỗ trợ còn có: Dự án chế biến “Mắm chao cá mè vinh” của chị Trần Thị Kim Ngân với số tiền giải ngân 80 triệu đồng; “Mật thốt nốt Palmania” của chị Chau Ngọc Dịu với số tiền giải ngân 50 triệu đồng; “Nuôi heo rừng lai” của anh Hồ Quốc Ninh với số tiền đề nghị vay là 50 triệu đồng... Qua khảo sát thực tế, các mô hình, dự án được hỗ trợ đều phát triển ổn định, trong đó có một số mô hình bước đầu mang lại hiệu quả khá.

Tăng cường khởi nghiệp

Ngoài hoạt động hỗ trợ vốn vay cho thanh niên phát triển các mô hình khởi nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về khởi nghiệp cho thanh niên. Tiêu biểu như các lớp tập huấn: “Vận hành và phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tỉnh An Giang”, “Trang bị kiến thức khởi nghiệp cho thanh niên”, “Hướng dẫn doanh nghiệp khởi nghiệp An Giang viết quảng cáo ấn tượng và thu hút khách hàng tiềm năng”... Qua đó, giúp thanh niên trang bị kiến thức về khởi nghiệp; tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu sản xuất, bao bì, đầu ra sản phẩm; hướng dẫn kỹ năng viết quảng cáo thu hút khách hàng...

Đặc biệt trong năm 2021, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã tổ chức thành công Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần V-2021. Thông qua cuộc thi, góp phần xây dựng cộng đồng khởi nghiệp, trau dồi, học hỏi và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đây còn là dịp để giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp, sáng tạo của cá nhân, tổ chức trong tỉnh. Năm nay, ban tổ chức đã trao giải cho 10 dự án đạt thành tích xuất sắc, trong đó có 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích. Ngoài phần thưởng được trao cho các ý tưởng, sản phẩm đạt giải tại cuộc thi, các ý tưởng, dự án được tuyển chọn vào vòng chung kết được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, sẽ được ưu tiên giới thiệu với các tổ chức, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, nhà đầu tư; hỗ trợ tư vấn triển khai ý tưởng khởi nghiệp phù hợp nhu cầu thực tế. Ngoài ra, các sản phẩm sẽ được hỗ trợ quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường tại cửa hàng “Giới thiệu và bán sản phẩm khởi nghiệp - sản phẩm OCOP - đặc sản địa phương”.

Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn triển khai hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con. Đồng thời, với việc duy trì cửa hàng “Giới thiệu và bán sản phẩm khởi nghiệp - sản phẩm OCOP - đặc sản địa phương” đã tạo được sự tin cậy cho cộng đồng khởi nghiệp An Giang.

Thời gian tới, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, như: Hỗ trợ nguồn vốn vay, phát triển và định hướng sản phẩm khởi nghiệp theo hướng tiêu chuẩn OCOP của tỉnh.

ĐỨC TOÀN (Báo An Giang)


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng