Hãy cùng yêu thương, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em!

“Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”

 

Hằng năm cứ đến ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), hàng triệu trái tim người Việt Nam lại bồi hồi, xúc động nhớ lời thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”

Đây là hai câu trong bài thơ “Trẻ con” của Bác Hồ đăng trên Báo Việt Nam độc lập, số 106, ngày 21/9/1941, cách đây 81 năm. Lời thơ chứa chan tình yêu thương trẻ em của Bác Hồ và mãi cứ lay động cõi lòng của mỗi người Việt Nam.

 

Bác Hồ với thiếu nhi (ảnh tư liệu).

Bác Hồ là một tấm gương mẫu mực trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, hết lòng chăm sóc và dạy dỗ lớp “mầm non” của Tổ quốc. Bác nói: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt, dạy trẻ tốt thì sau này các cháu thành người tốt. Anh chị em giáo viên mẫu giáo cần luôn luôn gương mẫu về đạo đức để các cháu noi theo...”; “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Bác ví các cháu như “Búp trên cành”, đang tuổi ăn tuổi ngủ nên Bác căn dặn: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Búp trên cành mơn mởn, tươi non, đẹp đẽ, lá cành sum suê trong tương lai nhưng dễ bị gãy, dễ bị tổn thương nên phải nâng niu, chăm sóc. Người luôn đề cao vai trò giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, nền tảng của những công trình tương lai. Bác chỉ rõ “mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc”, do vậy, phải giáo dục các cháu trở thành “những công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”, “những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và Nhân dân ta”. Bác yêu cầu giáo dục trẻ em toàn diện “không những có tri thức phổ thông, mà phải có đạo đức cách mạng”. Về phương pháp giáo dục, Người nói dạy trẻ em học “phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ người lớn”. “Trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội chúng đều vui, đều học”…

Người đặc biệt quan tâm, khích lệ các cháu là học tập cho giỏi, bởi “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công cuộc học tập của các cháu...”.

Cho đến ngày sắp đi xa, Người đã dành muôn vàn tình thương yêu của mình cho các cháu nhi đồng, trong Di chúc thiêng liêng, Người hai lần nhắc đến các cháu nhi đồng - chủ nhân tương lai của đất nước. Bác muốn để lại “muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng” và Bác gửi gắm: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng...”.

Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Hồ Chủ tịch về trẻ em đến nay tiếp tục được phát huy “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, sự quan tâm, tình cảm yêu thương của Người đối với trẻ em, những thế hệ tương lai của đất nước và những lời căn dặn của Người sẽ mãi là những bài học, những định hướng, kim chỉ nam cho mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Đã 81 năm trôi qua, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” vẫn vẹn nguyên giá trị, nhất là trong thời đại hiện nay, chúng ta càng phải coi trọng, thực hiện tâm niệm của Người làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục và bảo vệ trẻ em, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là “Cháu ngoan Bác Hồ”; giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển thể lực, trí tuệ và nhân cách con người mới như Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi./.

Trúc Linh


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng