An Giang- Lan tỏa học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Kỳ 3: Nhiều tấm gương làm theo Bác tiêu biểu
Việc đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở An Giang ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội. Từ đó xuất hiện hiện nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu trong học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được nhân dân tin yêu, quý trọng và được nhân rộng.
Cầu giao thông hình thành từ nguồn dân đóng góp.
Ông Đoàn Văn Hổ (sinh năm 1959, xã Vĩnh Xương), Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Xương nhận bằng khen của UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Lương nhận huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước.
Đảng bộ TP. Long Xuyên chăm lo hỗ trợ nhà ở cho dân nghèo.
Ông Ngô Văn Đậu luôn ý thức được tinh thần trách nhiệm đối với quê hương đất nước.
4 năm qua, tỉnh có 1 tập thể, 2 cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Long Xuyên; ông Ngô Văn Đậu, xã Phú Thành, huyện Phú Tân; Ông Đoàn Văn Hổ, xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu); 1 cá nhân đạt thành tích xuất sắc được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen, 225 tập thể và 273 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần tạo sự lan tỏa tích cực trong toàn xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Long Xuyên: thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Đảng bộ thành phố đã tập trung chỉ đạo đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên gắn với thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) về xây dựng Đảng. Qua đó, toàn Đảng bộ đã đạt nhiều kết quả nhất định, tạo sự chuyển biến tích cực trong cả hệ thống chính trị, nhận thức về nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được nâng lên. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo Bác đã góp phần không nhỏ vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Công tác tổ chức đạt được nhiều kết quả quan trọng. Triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả”. Nổi bật là việc ban hành và thực hiện một số đề án về sắp xếp tổ chức, bộ máy góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố. Thành ủy cũng đã sắp xếp, sáp nhập một số tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Thành ủy. Từ đó giảm số đầu mối tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Thành ủy từ 67 chi, Đảng bộ xuống còn 59 chi, Đảng bộ. Qua việc thực hiện hợp nhất, sáp nhập các tổ chức, cơ quan, bước đầu thành phố đã giảm được 7 vị trí lãnh đạo cấp phòng, 10 công chức, viên chức, người lao động góp phần từng bước tinh gọn bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế. Ngoài việc thực hiện chủ trương của tỉnh về nhất thể hóa chức danh Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Thành ủy Long Xuyên còn xây dựng và triển khai thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU về nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, phường và đến nay, Đề án này đã triển khai thực hiện toàn bộ 13/13 xã, phường. Đặc biệt, từ việc học tập và làm theo Bác, các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, như: công tác quản lý đất đai; cải tạo, sắp xếp chợ; xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; an toàn vệ sinh thực phẩm… đã được Đảng bộ, chính quyền thành phố chỉ đạo, giải quyết kịp thời..., góp phần tạo được niềm tin, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội.
An Giang còn là điển hình cả nước trong việc vận động xã hội hóa, thực hiện an sinh xã hội; nhất là vận động trong đồng bào tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Ở huyện Phú Tân có ông Ngô Văn Đậu luôn ý thức được tinh thần trách nhiệm đối với quê hương đất nước. Ông luôn tích cực tham gia các phong trào xã hội- từ thiện, an sinh xã hội ở địa phương; thực hiện tốt việc chăm lo đời sống cho bà con nghèo. Biết địa phương kinh phí hạn hẹp, xe cấp cứu bị xuống cấp, không đáp ứng kịp thời các trường hợp bệnh khẩn cấp, ông hỗ trợ tiền để mua 2 xe chuyển bệnh và trực tiếp lái xe chuyển bệnh khi không có tài xế. Tham gia tổ từ thiện của UBMTTQVN xã để giúp đỡ các trường hợp bệnh đột xuất để có tiền trị bệnh, mỗi hộ từ 500.000 - 2.000.000 đồng. Ông đã hiến 1.000m2 đất của mình và nâng cao mặt bằng khu nghĩa địa của xã. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, ông đã tích cực tham gia công tác xã hội- từ thiện và đã đóng góp số tiền hơn 4,5 tỷ đồng. Ông được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương Lao động hạng ba, Thủ tướng chính phủ tặng 2 bằng khen, nhiều bằng khen của UBND tỉnh và nhiều giấy khen của UBND huyện, xã.
Ở vùng biên giới TX. Tân Châu có ông Đoàn Văn Hổ (sinh năm 1959, xã Vĩnh Xương) là Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Xương, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Xương luôn tích cực tham gia công tác xã hội- từ thiện. Ông luôn tham gia tích cực với những việc làm cụ thể, thiết thực, tạo sức lan tỏa trong xã hội với tổng số tiền vận động được hơn 14 tỷ đồng. Điển hình, ông cùng đội cất nhà của Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã phối hợp chính quyền địa phương cất mới 217 căn nhà với tổng số tiền hơn 7,9 tỷ đồng; xây dựng 5 cây cầu giao thông với tổng trị giá khoảng 2,6 tỷ đồng; vận động làm 5 tuyến lộ nông thôn trên địa bàn xã với tổng trị giá 280 triệu đồng; cất mới 19 căn nhà bê- tông trị giá 900 triệu đồng. Vận động trên 1,3 tỷ đồng mua 2 xe chuyển bệnh miễn phí, hàng tháng còn vận động từ 800 -1.000 lít dầu phục vụ cho xe chuyển bệnh miễn phí của xã... Ông còn thường xuyên phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương tuyên truyền pháp luật về biên giới quốc gia cho các tín đồ và quần chúng nhân dân biết và thực hiện, góp phần bảo vệ an ninh biên giới. Xuất phát từ cái tâm làm từ thiện, những việc làm trong thời gian qua tại địa phương đều xuất phát từ tấm lòng nhân ái, tính hướng thiện của người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo sống vì cộng đồng giúp ít cho đời và xã hội. Với những việc làm đầy ý nghĩa đó, ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 bằng khen và nhiều bằng khen, giấy khen cấp tỉnh, thị xã và là gương điển hình tiêu biểu về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được biểu dương nhiều năm liền tại tỉnh, thị xã và được biểu dương tại hội nghị sơ kết và gặp điển hình tiên tiến thực hiện “ Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009 -2019 và Đại hội Thi đua yêu nước của Cựu chiến binh tại thủ đô Hà Nội năm 2019.
Dân miền Tây hào sảng. Thật không ngoa khi nói về tấm lòng từ thiện của lão nông xây cầu từ thiện Nguyễn Minh Lương (tự út Ổi), sinh năm 1947 ở TP. Long Xuyên. Ông là tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong việc đóng góp và vận động người dân tham gia xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, Quỹ vì người nghèo - cây mùa xuân. Chỉ riêng 5 năm qua, ông đã xây mới trên 10 cây cầu, đường giao thông kết cấu bê-tông cốt thép; mỗi cây cầu có chiều dài từ 17-28 mét, ngang 2-5m, tổng kinh phí đầu tư xây dựng các công trình hơn 5 tỷ đồng và 7.869 ngày công lao động. Ngoài ra, ông còn đứng ra vận động bà con đóng góp kinh phí trên 710 triệu đồng làm mới 6 cống ngang đường và xây dựng 2 tuyến đường giao thông ở địa phương, chiều dài trên 700m, mặt lộ rộng 3m, tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Ông còn thực hiện làm bờ kè, sân trường... Để giảm tiền mướn kỹ sư thiết kế, ông học lỏm và dần trở thành "kỹ sư cầu đường" tay ngang mà xây cầu nào cũng đẹp, chất lượng. Ông út Ổi chia sẻ: “Mỗi cây cầu có thể tiết kiệm 50-100 triệu đồng nhờ tự thiết kế, đội thợ xây không công. Nhiều cây cầu xây dựng được chủ cửa hàng vật liệu xây dựng cho nợ, phần còn lại tôi lấy đất nhà thế chấp ngân hàng rồi mần lúa trả dần. Tôi còn dự định sẽ hiến 12 công đất ruộng để chính quyền xây trường học. Thấy bà con đi lại thuận tiện, học sinh đi học dễ dàng là hạnh phúc rồi”. Từ những việc làm thiết thực đó, ông út Ổi được Đảng và nhà nước từ Trung ương đến địa phương trân trọng ghi nhận và trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen, đặc biệt năm 2016 ông được Chủ tịch nước tặng huân chương Lao động hạng ba.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU