Nâng niu tất cả chỉ quên mình!
Hồ Chí Minh-Lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam là tấm gương tiêu biểu nhất, phản ánh trọn vẹn nhất các truyền thống quý báu đó.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã tích lũy và đúc rút được nhiều bài học quý báu; hun đúc nên những truyền thống vẻ vang. Hồ Chí Minh-Lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam là tấm gương tiêu biểu nhất, phản ánh trọn vẹn nhất các truyền thống quý báu đó. Nếu như lòng nhân ái là đức tính phổ biến của các vĩ nhân thì ở Hồ Chí Minh cũng vậy nhưng có nhiều phần khác. Trước nhất nó không giống với sự thương hại chung chung, mà đối tượng cụ thể, chủ yếu hướng tới là "những người bị đọa đày đau khổ"; nó càng không phải là sự thông cảm hay ban phát của "bề trên" nhìn xuống; cũng không phải là lòng trắc ẩn "đứng ngoài" trông vào,… mà là sự đồng cảm của người cùng cảnh ngộ... Bác nói: "Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi". Hồ Chí Minh là tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của Nhân dân, kính trọng Nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân.
Phạm Văn Đồng - người học trò nhiều năm tháng sống gần gũi với Bác nhận định: "Tình nhân đạo, tình thương đồng bào, đó là điều sâu sắc và tốt đẹp nhất trong con người Hồ Chủ tịch". Ông còn so sánh rất sâu sắc: "Người xưa nói: Có việc phải lo, lo trước thiên hạ, có việc đáng vui, vui sau thiên hạ. Hồ Chủ tịch nói một cách giản dị và thống thiết hơn: "Một ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên". UNESCO vinh danh Người là "… một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội". Nhà chính trị học người Mỹ, Rôbớt Uyliam phát biểu: "Nếu nước Mỹ chúng tôi có được một lãnh tụ giàu lòng nhân đạo và quyết tâm như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chắc chắn nước Mỹ sẽ đóng góp rất nhiều vào sự nghiệp của nhân loại". Nhà báo Australia, Burchett khẳng định: "Nói tới một người mà cả cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có ai khác ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh"…
Nhưng, ngược lại, các thế lực thù địch vẫn không ngừng đả kích Hồ Chí Minh. Gần đây chúng tung ra cái gọi là "chiến dịch hạ bệ thần tượng". Dương Thu Hương xấc láo: "Hồ Chí Minh đối với những người căm thù cộng sản trở thành hố rác để người ta trút tất cả những sự phẫn nộ, thù hận và sự khinh bỉ, vân vân và vân vân". Trên các trang mạng đã có nhiều bài viết kích động chống phá, như bài "Đất nước này của Đảng hay của Dân", tác giả trắng trợn xuyên tạc: " Nguyễn ái Quốc (sau này được thay bằng HCM là lãnh đạo đảng (CSVN), lãnh đạo đất nước…Để rồi, kết cuộc đưa đất nước triền miên đi vào tan tác, lạc hậu, cơ cực, đói nghèo"… Có tên ngu xuẩn đến mức viết càng : "Nhật đã có công đảo chính Pháp đô hộ nước; Mỹ đã có công đuổi Nhật ra khỏi nước. Nhờ vậy mà bác cháu ta đã cướp được nước. Nay các cháu phải lo mà ôm chặt lấy nước. Muốn độc quyền ôm lấy nước, không gì quý hơn độc đảng CSVN". Trong một bài khác, Võ Thị Hảo cũng xuyên tạc: "Đặc trưng Thời đại Hồ Chí Minh: huynh đệ tương tàn, tụt hậu xa so với thế giới, dân bị nô lệ hóa"…
Những luận điệu đó không có gì mới. Nhưng bọn chúng "kiên trì" nhay đi, nhay lại theo mục tiêu "mưa dầm thấm lâu". GS Trần Chung Ngọc, người Mỹ gốc Việt-người tự nhận mình từng nhiều năm "ở phía Quốc Gia" đã phê phán các đối tượng nói trên là những người "có đầu mà không có óc"; họ viết "... không cần đến trí tuệ, không cần đến kiến thức, không cần đến trình độ, và không cần đến liêm sỉ"…
Gần như ai cũng biết: Năm 1911, Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) trong cảnh "quốc phá gia vong" đã ra đi tìm đường cứu nước. Hành trang mà Người mang theo là khát vọng đồng bào được tự do, đất nước được độc lập! Bằng một trí tuệ siêu việt, một nghị lực phi thường… Người đã tìm thấy và hiểu đúng bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin; tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn! Nhiều năm "thấm dầy thực tiễn", nắm chắc lý luận, ngay từ rất sớm, Người đã xác định chính xác: "chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc".
Nhưng gần đây từ hải ngoại lại tiếp tục bịa đặt: "… một số nhà trí thức, thân hào nhân sĩ yêu nước tiên tiến tiêu biểu như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… đã thấy được ý đồ của ông Hồ và Cộng đảng Việt Nam chỉ là lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, thông qua cuộc kháng chiến chống Pháp như một phương tiện, không phải để giành độc lập cho dân tộc Việt Nam, mà làm nhiệm vụ của cộng sản quốc tế, giành thuộc địa kiểu mới cho các tân đế quốc đỏ Nga -Tầu".
Đọc lịch sử, nhiều người biết, cụ Phan Bội Châu "xuất dương cầu viện", "bôn ba gần ba mươi năm": "tự xét thấy chẳng việc gì nên", "một trăm thất bại mà không một thành công",… Cuối đời may mắn nhìn thấy: "… đã có người khác giỏi hơn… đứng ra đảm đương công việc để làm tròn cái việc mà lớp chúng tôi không làm xong. Đó là Nguyễn Ái Quốc". Riêng cụ Huỳnh Thúc Kháng- người từng từ chối nhận chức Thủ tướng từ lời mời của Bảo Đại, nhưng tham gia Chính phủ Hồ Chí Minh; trong lúc Hồ Chủ tịch đi thăm nước Pháp, dư luận có phần lo lắng; bọn Việt gian lại lợi dụng tung tin "Hồ Chí Minh bán nước"… Cụ đã viết bài thơ ca ngợi Hồ Chủ tịch: "Tung hoành bể Sở với non Ngô/Đảm lược ai hơn Chủ tịch Hồ/ Mưa gió dãi dầu bao tuế nguyệt/Nước non gây dựng nội cơ đồ/Sen kia chẳng ngại hôi bùn lắm/Tùng nọ bao phen ngọn gió xô/Khắp cả ba kỳ đều tín nhiệm/Rộn ràng muôn miệng tiếng hoan hô". Khi cụ Huỳnh được cử đi kinh lý miền Trung, nhiều nhân sĩ đến thăm và hỏi chuyện về Bác Hồ, có người còn hoài nghi, Cụ Huỳnh khảng khái nói: "Ông tưởng tôi tâng bốc ông Hồ? Không, đời tôi không tâng bốc ai bao giờ. Hồi năm 1926, cụ Tây Hồ (Phan Châu Trinh) trước khi lâm chung nói với tôi: "Độc lập của nước Việt Nam sau này sở cậy có Nguyễn Ái Quốc!". Nay đã thấy rõ lời nói ấy ứng nghiệm. Thật là cao kiến".
Ngay Cao ủy Đông Dương Thierry d' Argenlieu (1945-1947) người từng trực tiếp đối đầu với Bác cũng nhận xét đầy khâm phục: "Đây là một người tinh tuyền về đạo đức… Ông ta không tin tưởng ở ý định của chúng ta… Ông ta chỉ tin tưởng ở những gì phục vụ kế hoạch của ông ta". Jules Archer, tác giả cuốn "Ho Chi Minh", có một nhận xét đáng tham khảo: "Đến Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm 10 năm Cách Mạng Trung Quốc, ông Hồ cẩn thận đứng giữa Mao Trạch Đông và đại diện của Nga Sô, Miklai Suslov. Trong những cuộc đàm phán riêng, ông Hồ đã thành công lấy được sự hứa hẹn của cả Bắc Kinh lẫn Moscou để tăng gia giúp thêm vũ khí và viện trợ dân sự, nhưng khôn khéo từ chối những đề nghị gửi quân tình nguyện hay cố vấn quân sự đến Việt Nam".
Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ : "muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm". Thay mặt Chính phủ Người tuyên bố: "Trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi, chúng tôi sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao và thương mại với tất cả các nước". Tháng 12/ 1946, Bác đã gửi thư cho những người đứng đầu các nước Anh, Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô và Liên hợp quốc nêu rõ "chính sách mở cửa và hợp tác". Người từng viết thư cho nhiều Tổng thống Mỹ (riêng Tổng thống Harry Truman tổng cộng 8 lần). Ví dụ: Thư gửi Tổng thống Harry Truman ngày 18/1/1946 về việc đề nghị Mỹ cùng Liên Hợp quốc can thiệp và có giải pháp trước cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam. Thư trả lời Tổng thống Richard Nixon ngày 25/8/1969, yêu cầu: "… tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam… Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự"…
Trung Thành (TUAG)