Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng, một lãnh tụ cách mạng. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh rất sâu sắc, phong phú cả về lý luận và thực tiễn, đã trở thành một bộ phận vô giá của văn hóa dân tộc và nhân loại, một sức mạnh to lớn làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối. Người nói: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(1). 

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh việc đầu tiên là chỉnh đốn, đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, bám sát cơ sở, thực tiễn yêu cầu cách mạng đặt ra, đây là tư tưởng nhất quán xuyên suốt trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Việc chỉnh đốn, đổi mới của Đảng là khôi phục đạo đức cách mạng, giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho cán bộ, đội ngũ đảng viên, khôi phục uy tín chính trị của Đảng đối với nhân dân, vào thời điểm cách mạng gặp khó khăn cần phải bình tĩnh, sáng suốt để Đảng, đảng viên không rơi vào bi quan, dao động, rụt rè, lùi bước; khi cách mạng trên đà thắng lợi phải chỉnh đốn, đổi mới để ngăn ngừa bệnh kiêu ngạo, thoả mãn, chủ quan; khi cách mạng chuyển giai đoạn, cũng phải chỉnh đốn, đổi mới để Đảng, đội ngũ cán bộ đảng viên có đủ trình độ năng lực, khả năng tư duy sức lãnh đạo trước sự phát triển của thực tiễn cách mạng Việt nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: TTXVN. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: TTXVN. 

Trong tình hình hiện nay, mỗi cấp ủy, cán bộ cần nhìn nhận, suy ngẫm hành động trên các giá trị theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như sau:

Một là: Trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. “Nhân, Trí, Dũng, Trung, Hiếu, Tín, Nghĩa” là thang bậc đầu tiên của đạo đức con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phẩm chất đạo đức của cán bộ, chuẩn mực giá trị đạo đức cách mạng. Trong bối cảnh hiện nay, trước những tác động nhiều chiều của nền kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch, hơn lúc nào hết, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần cách mạng, tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, phòng, chống tự diễn biến tự chuyển hóa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của kẻ địch.

Hai là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư. Đảng cách mệnh, Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ giữ cương vị lãnh đạo càng phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện những phẩm chất đạo đức này. Không tự cao, tự đại, tự kiêu, tự ti, tự phụ, tự mãn, không nịnh trên, nạt dưới, lừa lọc, dối trá, giả mạo,... luôn luôn đặt việc công, lợi ích của Nhà nước của tập thể, của nhân dân lên trên, lên trước việc tư, quyền lợi của bản thân. 

Ba là: Yêu thương con người, luôn tin tưởng ở quần chúng và sống có tình, có nghĩa, có trước có sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ, đảng viên học và hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin là để “Sống với nhau có tình, có nghĩa”, “nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin được”. Người cách mạng phải có tình cảm đạo đức cách mạng mới làm được cách mạng, phải biết yêu thương gia đình, yêu thương đồng bào, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp thì mới biết, mới dám chấp nhận mọi hy sinh cho đồng chí, đồng bào, cho cách mạng, cho dân tộc. Đạo đức Hồ Chí Minh không những chỉ có lòng nhân ái bao dung vị tha, độ lượng mà còn có cả đức tin tuyệt đối ở nhân dân, đề cao vai trò, sức mạnh vô địch của nhân dân, kính trọng nhân dân, luôn luôn vì dân, dựa vào dân làm cách mạng, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. 

Bốn là: Có tinh thần quốc tế trong sáng, hướng vào mục tiêu hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội. Đó là, tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên bằng mệnh đề "Bốn phương vô sản đều là anh em"; là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa quốc tế vô sản gắn liền với chủ nghĩa yêu nước, hơn nữa phải là chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, cùng chung vai sát cánh với giai cấp vô sản toàn thể thế giới, cùng toàn thể nhân dân lao động, yêu chuộng hòa bình, đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, quốc tế hóa, trước thực trạng đạo đức đội ngũ cán bộ, đảng viên và những vấn đề đặt ra nhằm tiếp tục nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ cách mạng mà Đảng và nhân dân giao phó, thì việc đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là vô cùng cần thiết, là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để mọi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng tự giác liên hệ, kiểm điểm, sửa chữa, khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta. (2)


(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr.269

(2). Nghị quyết số 28 - NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

NGUYỄN ĐỨC HIẾU

Nguồn: qdnd.vn

Sưu tầm: Sơn Nam - Ban Tuyên giáo TĐAG


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng