Nhân dân Nga luôn khắc ghi tình cảm đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhân dân Liên Xô trước đây và Nga luôn khắc ghi tình cảm đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây là sự khẳng định của các nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu Việt Nam lâu năm tại Nga trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Moskva nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020).
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu Liên Xô và quốc tế tham dự Đại hội lần thứ 22 Đảng Cộng sản Liên Xô, diễn ra tại Moskva, tháng 10-1961. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Cuộc trao đổi của chúng tôi với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh diễn ra ngay tại Quảng trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trung tâm thủ đô Moskva nhân dịp ông đến đây đặt những bông hoa tươi thắm tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Đại sứ cho biết, mọi năm, vào dịp 19-5, đông đảo cán bộ ngoại giao, những người bạn Nga và quần chúng nhân dân đều đến đây đặt hoa và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại LB Nga và thủ đô Moskva nên các hoạt động quần chúng không được diễn ra.
Trong cuộc trao đổi, Đại sứ Ngô Đức Mạnh khẳng định nhân dân Liên Xô và Nga luôn khắc ghi tình cảm đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại sứ chia sẻ: “Trên cương vị công tác của mình tôi có nhiều dịp được gặp gỡ, tiếp xúc các vị lãnh đạo của nhà nước Liên bang Nga, các lãnh đạo địa phương, các nhà Việt Nam học người Nga, bạn bè và đông đảo quần chúng nhân dân Nga. Ở đâu tôi cũng bắt gặp tình cảm hết sức trìu mến, trân trọng đối với Bác Hồ của chúng ta”.
Nhà ngoại giao này cũng nhấn mạnh vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với Liên Xô và nước Nga ngày nay. Ông nói: “Người là hiện thân của chủ nghĩa quốc tế vô sản và tình hữu nghị Việt - Xô và của nhân dân Việt Nam với nhân dân Nga ngày nay. Đây chính là tình cảm quý giá mà chúng tôi - những cán bộ ngoại giao đang công tác tại địa bàn, nguyện sẽ nỗ lực hết sức của mình để thực hiện tốt những điều Bác Hồ đã căn dặn”.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh cho biết, năm nay, đúng vào ngày kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020) sẽ diễn ra hội thảo trực tuyến giữa thành phố Saint Petersburg với thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của lãnh đạo cao nhất của hai địa phương. Dự kiến, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Thiện Nhân và Thống đốc Saint Petersburg Aleksandr Beglov sẽ tham dự và có bài phát biệu tại hội thảo. Tham dự sự kiện này còn có đại diện của Ban Đối ngoại Trung ương và đông đảo các nhà nghiên cứu, các học giả Nga.
Ngoài ra, theo Đại sứ Ngô Đức Mạnh, Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại LB Nga đang tích cực làm việc với lãnh đạo thành phố Saint Petersburg để xúc tiến dựng tượng Bác Hồ tại thành phố này. “Đây là nơi ghi dấu ấn Bác Hồ lần đầu tiên đặt chân tới Liên Xô, đến với đất nước của Lenin (Vladimir Ilich Lenin). Chính quyền thành phố Saint Petersburg đã đồng ý về việc dựng tượng Bác Hồ và dành địa điểm rất đẹp để dựng tượng Bác. Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan chức năng để lên mô hình thiết kế và sớm triển khai việc dựng tượng”, Đại sứ Ngô Đức Mạnh nói.
Cũng trong dịp này, phóng viên TTXVN tại LB Nga có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ sử học trường Đại học Tổng hợp Saint Petersburg Vladimir Kolotov. Giáo sư Kolotov là một trong những nhà Việt Nam học hàng đầu ở Nga hiện nay, ông là Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh trực thuộc trường Đại học Tổng hợp Saint Petersburg. Đây cũng là Viện nghiên cứu đầu tiên mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh được thành lập ở nước ngoài.
Đánh giá về tình cảm của bạn bè quốc tế nói chung, bạn bè Liên Xô và Nga nói riêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Vladimir Kolotov khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn để lại dấu ấn tốt đẹp đối với những người vinh dự được gặp Người. Trong các cuốn hồi ký, những người Nga đã trực tiếp gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh mô tả ấn tượng sâu đậm của họ về Người như thế nào.
“Riêng trong ngành Việt Nam học của nước Nga, vẫn còn những người trước đây đã từng gặp trực tiếp và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh như là bác Evgheny Kobelev và thầy giáo của tôi là Giáo sư Palfilov. Những câu chuyện mà họ kể về những cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức quan trọng và có vai trò to lớn trong việc giáo dục thế hệ các nhà Việt Nam học trẻ” - Giáo sư Vladimir Kolotov cho biết.
Hiện nay, tại thành phố Saint Petersburg vẫn còn lưu lại nhiều dấu ấn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Saint Petersburg (trước kia - Petrograd) là thành phố đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân khi đến nước Nga Xô-viết vào ngày 30-6-1923. Bác Hồ đã lưu trú ở khách sạn “Estonia”, hồi đó do Quốc tế Cộng sản quản lý. Giáo sư Kolotov cho biết, khách sạn này vẫn tồn tại đến ngày nay. Ông đã đến khách sạn để tìm hiểu những tài liệu liên quan đến thời gian Bác Hồ lưu trú tại đây. Tuy nhiên, kho lưu trữ của khách sạn cùng mọi tài liệu đã bị cháy hết trong giai đoạn thành phố bị phong tỏa bởi quân đội phát-xít Đức trong thời kỳ Chiến tranh vệ quốc.
Theo Giáo sư Kolotov, tại thành phố này có một họa sỹ người Nga tên là Alexei Kuznetsov, họa sỹ ưu tú Liên Xô, vào đầu thập niên 60 đã có hai năm ở Việt Nam, được gặp Bác Hồ và vẽ chân dung của Bác. Bây giờ, gia đình của họa sỹ vẫn sống ở Saint Petersburg.
“Chúng tôi cũng có di sản tư tưởng Hồ Chí Minh của riêng mình. Đó là Viện Hồ Chí Minh đầu tiên ở nước ngoài và cho đến bây giờ vẫn là duy nhất trên thế giới. Ngày 19-5 năm nay sẽ là kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện Hồ Chí Minh” - Giáo sư Kolotov nói.
Khép lại cuộc trao đổi, Giáo sư Kolotov chia sẻ với chúng tôi về điều mà ông gọi là “hiện tượng khá thú vị” ở Viện Hồ Chí Minh. Số là ở Viện này có cây hoa anh đào được trồng từ 10 năm trước vào dịp thành lập Viện. Suốt 10 năm nay, cứ đến dịp 19-5 là cây đào lại nở hoa, ban đầu màu hồng nhạt và sau đó chuyển sang màu đỏ, tô thắm khung cửa sổ của Viện Hồ Chí Minh.
Theo Báo Tin Tức