Những điểm khác biệt trong quá trình lựa chọn con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành
Kỷ niệm 109 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2020): Trong thời gian nước ta chịu ách thống trị của chính quyền thực dân Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy đã diễn ra, nhiều lý thuyết, nhiều chủ nghĩa, nhiều con đường, phương pháp để đấu tranh cứu nước,… Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa, các phong trào cuối cùng đều bị thất bại.
Cách mạng Việt nam lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối, về giai cấp lãnh đạo. Trong bối cảnh đó, ngày 05/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ) đã ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Nguyễn Tất Thành “Khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào...”. Như vậy, Nguyễn tất Thành đã nhận ra những hạn chế của các nhà yêu nước đương thời trong việc xác định mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ cách mạng; về phương thức, phương pháp đấu tranh; về nhận thức “bạn - thù” của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ ở Việt Nam. Đây chính là những bài học, những cơ sở lịch sử đầu tiên để trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành có sự lựa chọn đúng đắn con đường cách mạng Việt Nam.
Ở Nguyễn Tất Thành, tình cảm yêu nước của Người gắn liền với lòng thương dân vô hạn. Do đó, mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong cuộc ra đi của Nguyễn Tất Thành là phải tìm con đường để vừa giành được độc lập cho Tổ quốc, vừa mang lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa Nguyễn Tất Thành với các nhà yêu nước đương thời, đã dẫn đến những khác nhau trong tư duy, trong hoạt động thực tiễn và cả trong việc lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam. Điều này thể hiện ở những điểm sau:
Điểm thứ nhất là, trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất Thành) đã tìm hiểu sâu sắc các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Người đề cao những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái và quyền con người của các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu nhưng Người cũng nhận thức rõ và phê phán bản chất không triệt để của các cuộc cách mạng tư sản. Nguyễn Ái Quốc nhận xét: “Tư bản nó dùng chữ Tự do, Bình đẳng, Đồng bào để lừa dân, xúi dân đánh đổ phong kiến. Khi dân đánh đổ phong kiến rồi, thì nó lại thay phong kiến mà áp bức dân.
Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Đây là cơ sở để Nguyễn Ái Quốc khẳng định một cách dứt khoát rằng: Con đường cách mạng tư sản không thể đưa lại độc lập và hạnh phúc thực sự cho nhân dân các nước nói chung, nhân dân Việt Nam nói riêng.
Điểm khác nhau thứ hai là mục đích của cuộc ra đi. Nếu như phần lớn những người Việt Nam xuất dương lúc bấy giờ là để tìm sự giúp đỡ của bên ngoài, cầu ngoại viện để đánh Pháp, thì Nguyễn Ái Quốc ra đi là để tìm con đường, cách thức (phương pháp) đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào. Người nói: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
Điểm thứ ba là hướng đi. Nguyễn Tất Thành đi sang Pháp. “Các lý do hấp dẫn đưa Người đến nước Pháp là những truyền thống tự do, bình đẳng, bác ái và nền văn minh của chính quốc mà Người được nghe, biết và sự tàn bạo của bọn thực dân ở thuộc địa mà Người đã chứng kiến...Năm 1923, tại Mátxcơva khi trả lời cuộc phỏng vấn của phóng viên tạp chí Ngọn lửa nhỏ, Người đã giải thích quyết định ra đi của mình như sau: Vào trạc tuổi 13 lần đầu tiên tôi được nghe những từ ngữ tiếng Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái – đối với chúng tôi lúc ấy, mọi người da trắng được coi là người Pháp - thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp”. Đi sang Pháp tìm hiểu tận gốc kẻ thù đang áp bức nô dịch đất nước mình, để từ đó có phương pháp và vũ khí phù hợp đánh đuổi chúng, phải chăng đây cũng là một lý do quyết định hướng đi của Người.
Điểm thứ tư là cách đi. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, có một người bạn đã hỏi Nguyễn Tất Thành: Chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi? Nguyễn Tất Thành “vừa nói vừa giơ hai bàn tay - chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”. Và, từ việc làm phụ bếp trên con tàu Pháp của hãng “Vận tải hợp nhất”, đến cào tuyết trong một trường học, đốt lò, làm vườn, làm thợ rửa ảnh... Nguyễn Tất Thành đã hòa mình, gần gũi với cuộc sống của nhân dân lao động, hiểu được nỗi thống khổ, hiểu được nguyện vọng và ý chí, năng lực của họ và đồng cảm với họ. Và như thế, trên cuộc hành trình của mình với sự lăn lộn trong cuộc sống lao động và đấu tranh của nhân dân các nước, với tầm hiểu biết rộng lớn và vốn thực tiễn sâu sắc, phong phú, Nguyễn Tất Thành đã nhận thức về thế giới và thời đại theo một lập trường và quan điểm mới so với các nhà yêu nước đương thời. Đó là nhận điện đúng đắn kẻ thù chung của cách mạng thế giới - chủ nghĩa thực dân đế quốc; nhận thức đúng đắn về lực lượng cơ bản của cách mạng thế giới - nhân dân lao động.
Điểm thứ năm là, trong giai đoạn 1911 - 1920, Nguyễn Tất Thành đã đi đến nhiều nơi trên thế giới để tìm hiểu, khảo sát: “Anh đã vượt qua ba đại dương, bốn châu lục, đặt chân lên khoảng gần 30 nước, là một trong những nhà chính trị đã đi nhiều nhất, có vốn hiểu biết phong phú nhất về thực tế các thuộc địa cũng như các nước tư bản đế quốc chủ yếu nhất trong những thập niên đầu của thế kỷ XX...”. Nguyễn Tất Thành đặc biệt quan tâm, tìm hiểu, khảo sát cuộc Cách mạng Tháng Mười; liên hệ giữa cách mạng Nga năm 1917 với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam và rút ra kết luận: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam...Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”.
Mặc dù Bản yêu sách tám điểm của Người với bút danh Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị hòa bình ở Véc xây - Pháp (1919) không được xem xét nhưng “Người Pháp coi cuộc đấu tranh đó là một quả bom làm chấn động dư luận nước Pháp. Còn người Việt Nam coi đó là tiếng sấm mùa xuân... độ ấy người mình ở Pháp gặp nhau đều nói độc lập, tự quyết, đều nói đến Nguyễn Ái Quốc. Chính cái tên Nguyễn Ái Quốc, bản thân nó có sức hấp dẫn kỳ lạ”. Qua đây, Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ bộ mặt thật của chủ nghĩa đế quốc; muốn được giải phóng các dân tộc thuộc địa không có con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh; và các dân tộc chỉ có thể dựa vào lực lượng của bản thân mình, vào chính thực lực của bản nhân dân mình.
Bằng hoạt động thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua tầm nhìn hạn chế, ảo tưởng mong chờ sự giúp đỡ của các chính phủ đế quốc đã từng tồn tại ở một số nhà yêu nước khác cùng thời. Nguyễn Ái Quốc nhận rõ, trong thế giới chỉ có “một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”.
Vào tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo L’ Humanité, Người nhận ra: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Nguyễn Ái Quốc tìm thấy trong Luận cương của Lê nin lời giải đáp về con đường giải phóng cho nhân dân Việt Nam; lời giải đáp về vấn đề dân tộc thuộc địa trong mối quan hệ với phong trào cách mạng thế giới - mối quan hệ giữa yếu tố sức mạnh dân tộc với sự giúp đỡ, ủng hộ của quốc tế. Người nhận thức được rằng: “Không có một sức mạnh thống nhất của cả nước, không có sự giúp đỡ mạnh mẽ của bên ngoài, công cuộc vận động giải phóng khó mà thành công được”.
Tháng 12/1920, tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở Tua, với tư cách là đảng viên Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu ra nhập Quốc tế thứ ba - Quốc tế Cộng sản, tán thành chủ trương thành lập Đảng Cộng sản pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản pháp.
Cuộc gặp gỡ với chủ nghĩa Mác - Lênin vào những năm 20 của Thế kỷ XX là sự kiện đánh dấu Nguyễn Ái Quốc giác ngộ lập trường, quan điểm vô sản và quyết định lựa chọn con đường giải phóng dân tộc ở Việt Nam theo quỹ đạo của cách mạng vô sản.
* *
*
Từ Bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thực hiện một hành trình đi tìm chân lý kéo dài hơn 30 năm (1911 - 1941). Hồ Chí Minh đã đi xuyên qua ba đại dương, bốn châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ, tìm hiểu bản sắc văn hóa, kinh tế, chính trị của biết bao quốc gia, dân tộc… để hiểu hơn Tổ quốc mình. Điều quan trọng nhất là Người đã đến được với chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản. Hơn 30 năm bôn ba tìm đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, những trở ngại, để đến ngày 28/01/1941, Người đã trở về Tổ quốc và đến ngày 8/02/1941, Người bắt đầu sống và làm việc tại hang Cốc Bó, thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Về đây, Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Người về con đường cách mạng Việt Nam được bổ sung, phát triển thành hệ thống lý luận hoàn chỉnh, dẫn dắt cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đi đến những thắng lợi vẻ vang. Cả cuộc đời Bác Hồ là một cuộc hành trình không mệt mỏi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Kỷ niệm 109 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6), chúng ta tự hào ôn lại đôi điều để thấm thía hơn sự hy sinh cao cả của vị lãnh tụ kính yêu, anh hùng của dân tộc Việt Nam và còn là Nhà văn hóa kiệt xuất khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ./.
Hòa Bình