“NỢ NƯỚC NON", MỘT TÁC PHẨM XÚC ĐỘNG VỀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
“Nợ nước non” (NXB Văn học, 2022), quyển mở đầu bộ ba tác phẩm về thân thế, cuộc đời cách mạng, sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và tiến lên chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ ấp ủ thai nghén từ lâu, cuối cùng cũng đã ra mắt với đông đảo độc giả vào trung tuần tháng 5 năm 2022.
Tác phẩm kể về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn ở làng Chùa, làng Sen, rồi mấy lần ra vô Huế, vào Quy Nhơn, Phan Thiết, rồi vào Sài Gòn, trước khi lên tàu Admiral Latouche Tréville một ngày tháng 6 năm 1911, bắt đầu bôn ba hải ngoại, “đi tìm hình của nước”. Quãng thơ ấu chiếm phần lớn dung lượng thời gian của chuyện kể, và đó là quãng thơ ấu của một cậu bé bình thường chứ không phải một thần đồng với những lời nói hay hành động đột xuất.
Qua mô tả của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, người đọc hoàn toàn có thể xây dựng một hình dung về cậu bé Nguyễn Sinh Cung: sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo xứ Nghệ, lớn lên trong sự rèn cặp nghiêm cẩn của người cha, trong tình thương yêu và đức hy sinh vô bờ của bà ngoại và mẹ, trong sự chan hòa thân ái với bà con xóm giềng và bè bạn cùng trang lứa. Nhưng tuổi thơ của cậu không êm đềm: nó được đánh dấu bằng những cuộc dịch chuyển liên tục theo cha nay đây mai đó, thực chất là đi học để đỗ đạt cao, hoặc đơn giản là đi dạy học cho thiên hạ, lấy đó làm kế sinh nhai.
Ngay ở cuộc dịch chuyển đầu tiên, cả nhà vào Huế để ông Nguyễn Sinh Sắc theo học Quốc tử giám, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã nếm trải đến tận cùng nỗi đau mất mát: mẹ và đứa em mới chào đời của cậu đã chết, vì ốm và đói, khi cha còn đang bận chấm thi ngoài Thanh Hóa. Ở đoạn văn mô tả thời khắc bà Hoàng Thị Loan qua đời, để lại một hài nhi bấy bớt cho đứa bé mới mười tuổi hơn, Nguyễn Thế Kỷ dùng liên tiếp các câu văn ngắn, nhịp nhanh, tựa như những giọt nước mắt lã chã nối nhau trong nỗi đau xé người. Nỗi đau ấy, trong khung khổ một tuổi thơ như thế, có lẽ chính là điều mà Nguyễn Thế Kỷ muốn nhấn mạnh như một dẫn nhập vào cái cốt lõi của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh sau này: đó là tình thương yêu con người, đau cùng nỗi đau của con người và nỗi đau của nhân loại lao khổ.
Có ba nhân vật có thật của lịch sử đã được Nguyễn Thế Kỷ đưa vào thành ba nhân vật của tiểu thuyết, tạo ra những tình huống đối thoại đa dạng với Nguyễn Tất Thành, từ đó mở rộng tư tưởng và mài sắc thêm cho quyết định xuất dương của nhà cách mạng trẻ tuổi.
Nhân vật thứ nhất chính là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Nguyễn Tất Thành, một nhà Nho ưu thời mẫn thế, nhưng cũng là một nhà Nho bị mắc kẹt trong chính những nguyên tắc truyền thống của Nho gia, yêu nước nhưng đành bất lực ôm mối đau mất nước đến hết đời.
Nhân vật thứ hai là ông giải San, tức Phan Bội Châu, người chủ trương cứu nước bằng con đường thiết huyết, tức đấu tranh bạo động trên cơ sở cầu viện (sau đó là cầu học) đế quốc Nhật Bản, một nước châu Á “đồng văn đồng chủng”.
Nhân vật thứ ba là họa sĩ Lê Huy Miến, một trí thức Tây học uyên bác lịch lãm, người từng thực hiện những bản vẽ thiết kế vũ khí chống Tây theo yêu cầu của vua Thành Thái, người đã nhắc cho Nguyễn Tất Thành phải chú ý đến tính chất hai mặt cùng lúc của nước Pháp: “Có một nước Pháp văn minh bậc nhất, cũng có một nước Pháp thực dân đang dùng mọi chính sách hà khắc, dã man để bóc lột chúng ta”, và rằng muốn đánh bại họ thì cần phải hiểu họ, học họ.
Chính ba nhân vật này đã làm nên một “vi khí hậu” tư tưởng chính trị xã hội với những luồng dịch chuyển rất phức tạp trong tiểu thuyết “Nợ nước non”. Nguyễn Tất Thành cọ xát và phản biện, kín đáo hoặc công khai, với tất cả những luồng dịch chuyển ấy. Và đó có lẽ chính là sự khẳng định của tác giả Nguyễn Thế Kỷ: để chuyến xuống tàu rời cảng Sài Gòn của Nguyễn Tất Thành là một quyết định lịch sử, bước mở đầu cho công cuộc “đền nợ nước” của một vĩ nhân./.
Hoài Nam (Báo Nhân Dân)