Tư tưởng Hồ Chí Minh về trách nhiệm của người đảng viên

Trong mọi thời kỳ cách mạng, trách nhiệm của người đảng viên luôn gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước, của dân tộc.

Trách nhiệm đối với Đảng

Theo Hồ Chí Minh, trách nhiệm của người đảng viên đối với Đảng chủ yếu và trước hết là sự kiên định với lý tưởng cách mạng của Đảng, ý chí quên mình đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: suốt đời làm cách mạng, phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn thắng lợi trên Tổ quốc ta và trên toàn thế giới"1.

Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, trách nhiệm của đảng viên đối với Đảng là phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin. Bởi lẽ, theo Người, nếu thiếu hiểu biết, nhất là thiếu hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin thì trình độ giác ngộ của đảng viên sẽ thấp, nhất định không thể hăng hái đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. "Học hỏi là một nghĩa vụ của đảng viên đối với Đảng, đối với nhân dân"2.

Để nâng cao trách nhiệm với Đảng, đảng viên phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, phải thực hiện tốt 5 điều "nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm", tuyệt đối chấp hành nghị quyết và kỷ luật Đảng, luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình. Người yêu cầu mọi đảng viên không chỉ nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình đối với Đảng, mà quan trọng hơn là những trách nhiệm ấy phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thường xuyên, liên tục.

Trách nhiệm đối với Tổ quốc

Theo Hồ Chí Minh, mọi đảng viên luôn có trách nhiệm thiêng liêng, cao cả đối với Tổ quốc, với sự sống còn của quốc gia, dân tộc. Trách nhiệm ấy được thể hiện ở tinh thần đấu tranh quên mình cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Người nêu những tấm gương sáng, những lãnh tụ tiền bối và kiệt xuất của Đảng ta, những điển hình tuyệt vời về trách nhiệm cao cả ấy: "Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi về đạo đức cách mạng"3. Tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Người nhấn mạnh: "Biết bao đảng viên ưu tú đã hy sinh một cách cực kỳ oanh liệt. Chỉ riêng trong cấp Trung ương của Đảng đã có 14 đồng chí bị đế quốc Pháp bắn, chém, hoặc đập chết trong các nhà tù. Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do"4.

Trách nhiệm của đảng viên đối với Tổ quốc còn thể hiện ở tinh thần nỗ lực phấn đấu cho đất nước giàu mạnh, cho chủ nghĩa xã hội thành công. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa (1954-1969), Người luôn nhắc nhở trách nhiệm của đội ngũ đảng viên là phải ra sức xây dựng, phát triển kinh tế, quyết tâm đưa miền Bắc tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Đã nhiều lần, Người chỉ rõ trách nhiệm của toàn Đảng nói chung và của từng đảng viên nói riêng là: "Lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thực hiện dân chủ mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội, rồi tiến đến chủ nghĩa cộng sản"5.

Trách nhiệm đối với nhân dân

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trách nhiệm của người đảng viên với nhân dân được bắt nguồn từ nguyên lý: "Nước lấy dân làm gốc", "Sự nghiệp cách mạng là do nhân dân tiến hành", "Nhân dân là người làm ra lịch sử"… Đảng viên phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân nắm vững đường lối, chính sách của Đảng; đồng thời lãnh đạo quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi các đường lối, chính sách ấy. Trong bài "Đảng viên Đảng lao động Việt Nam", Người đã chỉ rõ: "Mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành"6.

Người nhắc nhở, muốn lãnh đạo được quần chúng nhân dân thì đảng viên phải sâu sát, gần gũi quần chúng, chăm lo giúp đỡ quần chúng về mọi mặt; phải "trọng dân, sát dân, tin dân", phấn đấu sao cho "dân phục, dân tin, dân yêu". Người luôn yêu cầu tất cả đảng viên phải "thật sự gần gũi nhân dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, học hỏi kinh nghiệm của nhân dân"7, "việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng… Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết"8.

Trách nhiệm của đảng viên là phải nêu gương trước quần chúng về mọi mặt. Theo Người, trong mọi phong trào, mọi nhiệm vụ, đảng viên đều phải tiền phong, gương mẫu làm trước, tiến trước để quần chúng noi theo. Sự gương mẫu của đội ngũ đảng viên có vai trò rất to lớn để biến đường lối, chủ trương của Đảng thành hiện thực. Người nhấn mạnh: "Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng… Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình,thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói đến cách ăn ở đều phải gương mẫu"9.

Người luôn nhắc nhở đảng viên phải kính yêu nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, tuyệt đối không được có thái độ "vác mặt làm quan cách mạng", không được hách dịch, nhũng nhiễu nhân dân. Nói chuyện với cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tây, Người nhấn mạnh: "Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân… Lãnh đạo là làm đầy tớ nhân dân và phải làm cho tốt"10.

Để thực hiện đúng đắn, sáng tạo những lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ đảng viên cần:

Về trách nhiệm đối với Đảng, tất cả đảng viên phải kiên định với mục tiêu, con đường cách mạng mà Bác Hồ đã lựa chọn; luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương, nghị quyết do Đảng đề ra; thực hiện tốt 4 nhiệm vụ của người đảng viên; chấp hành nghiêm Điều lệ, kỷ luật Đảng; tích cực tham gia xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh; luôn giữ vững tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên.

Về trách nhiệm đối với Tổ quốc, mọi đảng viên phải luôn nêu cao ý chí, quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; luôn chủ động tham gia đấu tranh đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch; hoàn thành tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước; tích cực tham gia ủng hộ các quỹ xây dựng địa phương và xây dựng đất nước.

Về trách nhiệm đối với nhân dân (trực tiếp là với cộng đồng dân cư nơi cư trú), đảng viên phải tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Đặc biệt, các đảng viên phải gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào xây dựng địa phương, nhất là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" và phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Về trách nhiệm đối với gia đình, dòng họ, đảng viên phải chăm lo giáo dục cho các thế của gia đình, dòng họ về lòng yêu nước, về niềm tin đối với Đảng, về ý chí vươn lên trong học tập và công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, tất cả đảng viên phải quan tâm giáo dục cho con cháu về đạo đức, lối sống lành mạnh, nhất là tinh thần cần kiệm, lòng nhân ái, tình đoàn kết cộng đồng; biết kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ và của cả dân tộc.

---------

(1), (10) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H. 1995, tập 12, tr. 93, 222. (2), (5) Sách đã dẫn (Sđd), tập 7, tr. 238, 243. (3) Sđd, tập 9, tr. 284. (4), (7) Sđd, tập 10, tr. 3, 36. (6), (9) Sđd, tập 6, tr.189. (8) Sđd, tập 5, tr. 298. 


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng