Xây dựng Chính phủ liêm chính theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, trong đạo đức, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Nếu như cần và kiệm là phẩm chất cần có trong đời sống, công tác của mọi người lao động thì liêm và chính là những phẩm chất nhất thiết phải có của người cán bộ khi thi hành công vụ, trong đó, liêm là phẩm chất đầu tiên.

Người khẳng định:“Những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu”(1). Phải đặt liêm lên hàng đầu mới kiến tạo được một chính phủ liêm chính. Bởi “thượng bất chính, hạ tắc loạn” - người đứng đầu không chính thì dưới sẽ “quân hồi vô phèng”. Người quản lý kinh tế mà không liêm, không rõ ràng, minh bạch thì tất cả thi nhau xà xẻo. Hơn nữa, văn hóa phương Đông luôn đề cao tư tưởng “vua sáng, tôi hiền”, niềm tin của nhân dân vào chính thể gắn với niềm tin vào nhà cầm quyền nên kỷ cương phép nước phụ thuộc nhiều vào sự liêm chính của những người đứng đầu. Xuất phát từ tầm quan trọng của tứ đức đối với mỗi con người nói chung, cán bộ nói riêng và từ yêu cầu thực tiễn của đất nước ta, mỗi cán bộ đảng viên khắc sâu lời dạy của Hồ Chí Minh, đặt lên hàng đầu tứ đức tu chỉnh bản thân, trong đó, đề cao đức liêm và chính, chung sức đồng lòng phấn đấu xây dựng Chính phủ trở thành Chính phủ liêm chính.


Theo Hồ Chí Minh, liêm là liêm khiết,“không tham ô và luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân”. Liêm còn là trong sạch, không tham lam. "Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình” (2). Trên Báo Cứu Quốc ngày 1-6-1949, Người đã chỉ rõ: Liêm là sự trong sạch, không tham tiền của, địa vị, danh tiếng, không tham ăn ngon, sống yên, không cậy quyền, cậy thế, đục khoét, ăn của đút lót của dân hoặc lấy của công thành của tư, không dìm người để giữ địa vị, danh tiếng của mình. Liêm phải đi đôi với kiệm, cũng như kiệm phải đi đôi với cần, vì xa xỉ mà sinh ra tham lam. Do bất liêm mà đi đến trộm cắp, dù công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp. Trước nhất là cán bộ các cơ quan, đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm hễ có dịp là đục khoét, ăn của đút lót, “dĩ công vi tư”. Người  chỉ rõ: Để thực hiện liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên trên. Nghĩa là, cán bộ phải gương mẫu thực hành liêm khiết trong cuộc sống, trong thi hành công vụ. Nhân dân phải biết kiểm soát cán bộ, giúp cán bộ thực hiện liêm. Pháp luật phải nghiêm khắc, thẳng tay trừng trị kẻ bất liêm, không phân biệt kẻ đó có chức tước, địa vị to hay nhỏ. Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ. Trong mỗi người, cần, kiệm, liêm chưa đủ mà cần có chính mới hoàn thiện. Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”, “là việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái dù nhỏ cũng tránh” (3). Người có đức chính là người chính trực, đúng mực, công tâm, họ luôn hành động theo lẽ phải, kiên quyết bảo vệ lẽ phải.

Trên cương vị là người lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm khiết. Người khẳng định: Chính phủ sau đây phải là một chính phủ liêm khiết. Để thể hiện điều đó, Người luôn động viên cán bộ hy sinh những lợi ích vật chất để theo đuổi những giá trị tinh thần cao quý, vì sinh hoạt vật chất, hết thời người đó là hết. Còn tiếng xấu hay tốt, sẽ truyền đến ngàn đời sau.

Từ yêu cầu thực tiễn khách quan, từ ý thức vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm, chính. Trong lễ nhậm chức, lễ ra mắt Chính phủ cũng như trong các cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc tới liêm, chính và hai đức tính này đã trở thành tiêu chí hành động của Chính phủ. Khi tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng thì quan điểm của Người về đức liêm, chính gợi mở cho Chính phủ một số giải pháp chính sau đây:

Một là, Đảng - lực lượng lãnh đạo hệ thống chính trị, trước hết người đứng đầu mỗi cấp ủy, chính quyền nghiêm túc thực hành liêm, chính

Hồ Chí Minh từng chỉ ra một định nghĩa hết sức độc đáo về chính trị: “Tóm lại chính trị là: 1. Đoàn kết. 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ” (4). Người còn định nghĩa về Đảng: Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Vì thế, muốn có Chính phủ liêm chính thì Đảng phải giữ vững đức liêm, chính. Đặc biệt, những người đứng đầu tổ chức đảng phải là tấm gương thực hành liêm, chính. Ngược lại, nói sẽ không ai nghe, làm không ai theo, mọi lời nói, chỉ thị chỉ là sự hô hào sáo rỗng, thậm chí còn gây phản cảm.

Mỗi cán bộ công chức, viên chức phải hiểu rằng “tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”. Nếu cán bộ giữ được đức liêm, chính thì họ không chỉ mang lại lợi ích cho dân, cho nước, cho Đảng mà chính họ cũng có lợi ích lâu bền. Ngược lại, nêu không giữ đức liêm, khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Ai đó muốn có danh với đời thì phải thực hành lẽ sống vì dân chứ không vì mình. Đạo đức, tài năng, mức độ cống hiến chứ không phải địa vị, tiền bạc mang lại tiếng thơm cho con người. Công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng và Nhà nước phải làm cán bộ, công chức thấm thía điều đó.

Hai là, chấn chỉnh công tác tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức

Thấu hiểu cán bộ là gốc của mọi công việc, Hồ Chí Minh luôn căn dặn: Mình có quyền dùng người thì phải dùng người có tài, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ, chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những người có tài năng hơn mình. Tuy vậy, thời gian qua, có những người “thăng tiến thần kỳ”, nhiều nơi chức lãnh đạo, quản lý của nhiều lĩnh vực thuộc về người trong gia đình, dòng họ của cán bộ chủ chốt hoặc số lượng cán bộ quản lý còn nhiều hơn nhân viên… Khi báo chí phản ánh, dư luận bức xúc thì những người có trách nhiệm đều khẳng định “việc bổ nhiệm đúng quy trình”. Quả thật, quy trình luôn có và rất chặt chẽ nhưng nếu người thực hiện quy trình có động cơ cá nhân thì quy trình sẽ trở thành “tấm lá chắn” hữu hiệu cho việc đem người tư vào việc công. Để khắc phục căn bệnh Hồ Chí Minh gọi là “cánh hẩu”, phải quy định rõ trách nhiệm của người bổ nhiệm, phải tổ chức thi tuyển cán bộ, công chức công khai, phải vì việc mà tìm người chức không phải vì người mà sắp xếp việc. Ông cha ta đã đúc kết, nếu dùng người nhà mà không dùng người tài, dùng kẻ siểm nịnh thay vì dùng người tiết tháo thì sự suy vi của chính thể là điều khó tránh.

Ba là, chống tham nhũng triệt để

Chính phủ liêm chính không dung thứ cho tham ô, tham nhũng vì tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội. Ở nước ta, mặc dù Luật phòng chống tham nhũng ra đời đã lâu và qua nhiều lần chỉnh sửa nhưng tình trạng tham nhũng không chỉ “ổn định” mà còn xuất hiện nhiều vấn đề mới như lợi ích nhóm, “sân trước, sân sau”. Muốn chống tham nhũng, trước hết phải nhận thức đó là “giặc” nội xâm như Hồ Chí Minh khẳng định chứ không chỉ là “quốc nạn”. Chống “giặc” này phải kiên quyết, cứng rắn hơn. Phải hoàn thiện hệ thống luật pháp, đủ chế tài để buộc cán bộ thực hành đức liêm, cần xây dựng Luật Kiểm kê tài sản, vì chỉ có minh bạch tài sản mới có thể theo dõi, kiểm tra. Nhanh chóng đưa các vụ tham nhũng lớn ra ánh sáng và việc xét xử phải triệt để, không “thí tốt” và phải thu hồi được tài sản tham nhũng. Cần tăng cường hợp tác quốc tế về hỗ trợ tư pháp để tạo thuận lợi cho việc xử án tham nhũng có yếu tố nước ngoài và ngăn chặn các trường hợp tẩu tán tài sản, nhân sự bỏ trốn ra nước ngoài. 

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính

Cải cách hành chính không chỉ tinh gọn mà còn phải thanh lọc bộ máy. Kiên quyết miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức hoặc buộc từ chức mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác đối với những cán bộ làm việc kém hiệu quả, có dấu hiệu bất liêm, có phiếu tín nhiệm thấp. Kiện toàn, thiết kế lại bộ máy quản lý để tránh sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, khi xảy ra sai phạm thì đùn đẩy trách nhiệm. Việc hoàn thiện thể chế theo hướng công khai, minh bạch cần tiếp tục được đẩy mạnh vì ở đâu có sự minh bạch thông tin, ở đó không có chỗ cho tiêu cực, tham nhũng.

Xây dựng Chính phủ liêm chính thể hiện quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là yêu cầu khách quan, đòi hỏi bức thiết thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để có Chính phủ liêm chính cần huy động được sức mạnh của toàn dân, toàn Đảng, trong đó quyết định trực tiếp là những người đứng đầu Đảng và Nhà nước, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền - phải là những người tiên phong về đức liêm, chính.

----------
1,2,3,4: Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.5, tr.123; t5, tr.240; t.9; tr.145. t.5, tr.75.

(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng