Hồ Chí Minh về “khéo lãnh đạo”
Trong các tác phẩm, bài viết của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy có hàng trăm từ “khéo”, chủ yếu đề cập đến vấn đề “khéo lãnh đạo” của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Theo Hồ Chí Minh, “khéo” chính là một “nghệ thuật”. Hồ Chí Minh viết rằng: “Khéo tính toán, chi tiêu tiền bạc cho hợp lý. Đó là một nghệ thuật quan trọng. Nghệ thuật ấy không phải là dễ...”1. Lãnh đạo chính trị, theo Hồ Chí Minh cũng là một nghệ thuật - nghệ thuật lãnh đạo hay khéo lãnh đạo.
Vai trò to lớn của nghệ thuật lãnh đạo hay khéo lãnh đạo của Đảng ta được Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhờ Đảng khéo lãnh đạo cho nên nhân dân ta đã thành công trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ”2. Khéo lãnh đạo tức là mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải khéo trong xây dựng đường lối, chính sách; khéo trong tổ chức thực hiện, vận động, tuyên truyền, thuyết phục, đoàn kết quần chúng; trong sử dụng cán bộ; trong kiểm tra, kiểm soát…
Trước hết, phải khéo đề ra đường lối, chính sách. Có khéo xây dựng thì đường lối, chính sách đó mới đúng đắn. Đường lối, chính sách đó phải được xây dựng dựa trên các căn cứ khoa học, phù hợp với thực tiễn cuộc sống mà điều quan trọng là những người lãnh đạo phải biết cách, khéo lấy ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân để đường lối, chính sách đó sát thực tiễn, hợp với lòng dân, thực sự phục vụ nhân dân. Người viết: “phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng”3.
Những người lãnh đạo lại càng phải khéo hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đường lối vì đó là một công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự tích cực, chủ động, sáng tạo và chủ thể thực hiện đường lối, chính sách ấy là nhân dân. Người nêu rõ: “Mỗi công việc của Đảng phải giữ vững tính cách mạng của nó, lại phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát”4. Cụ thể, những người lãnh đạo phải khéo sắp xếp, tổ chức mọi công việc; khéo thuyết phục, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải khéo thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu vừa trên cơ sở kiên định về nguyên tắc, vừa biết vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt trong từng địa phương, lĩnh vực, từng ngành phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Quan trọng nhất là phải khéo dân vận: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”5. Dân vận khéo có nghĩa là mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự là tấm gương mẫu mực trong công việc và sinh hoạt cho dân noi theo, phải gần gũi nhân dân, có lòng nhân hậu, thái độ hòa nhã, độ lượng, hết lòng vì dân, “cốt sao cho được lòng dân”. Dân vận khéo còn có nghĩa là cán bộ, đảng viên phải khéo cư xử, giao tiếp để thuyết phục được nhân dân. Mỗi giai cấp, tầng lớp trong xã hội đều có những đặc điểm riêng về trình độ nhận thức, tâm lý, lối sống, cách sinh hoạt. Do vậy, khi làm công tác dân vận phải thật khéo trong cách ứng xử với họ, chẳng hạn, đối với những người theo tôn giáo, Người căn dặn cán bộ “cần phải khôn khéo và cẩn thận, từ lời nói cho đến việc làm”6.
Khéo tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đặc biệt cần tới khéo sử dụng cán bộ của những người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây còn được coi là công việc quan trọng của Đảng, vì công tác gì nếu có cán bộ tốt mới thành công. Làm tốt công tác cán bộ nghĩa là các tổ chức đảng, những người lãnh đạo phải rất khéo léo trong quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mục đích khéo dùng cán bộ, cốt để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ”7. Theo Người, khéo sử dụng cán bộ tức là người lãnh đạo phải làm sao để cho mọi cán bộ có năng lực, sở trường, trình độ, có hoàn cảnh khác nhau đều có khả năng cống hiến được nhiều nhất cho sự nghiệp cách mạng; phải biết dùng cán bộ một cách đúng đắn, khoa học và đạt hiệu quả cao nhất. Phải làm sao cho cán bộ cả gan nói và đề ra ý kiến, có gan phụ trách, làm việc. Biết khéo kết hợp các loại cán bộ để nâng cao hiệu quả mọi công việc của Đảng và Nhà nước. Khéo kết hợp các loại cán bộ tức là những người lãnh đạo còn phải khéo kết hợp giữa cán bộ cũ và mới, tại chỗ và cán bộ từ nơi khác đến; cán bộ địa phương và cán bộ Trung ương, cán bộ nam giới và cán bộ nữ, cán bộ già và cán bộ trẻ.
Trong tổ chức thực hiện các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước rất cần đến khéo kiểm tra, kiểm soát. Hồ Chí Minh thường nhắc nhở Đảng ta, mỗi cán bộ lãnh đạo, đảng viên về vấn đề này. Người nêu rõ: Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biến các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát, “kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”8. Theo Người, kiểm soát khéo nghĩa là những người lãnh đạo, quản lý biết sử dụng các hình thức, phương tiện kiểm soát, tự kiểm tra, kiểm soát mình, kiểm tra, kiểm soát trong công việc đúng lúc, đúng chỗ và đặc biệt cần phải dựa vào sự giúp đỡ của lực lượng quần chúng nhân dân.
Để khéo lãnh đạo, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên còn phải khéo léo trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình cũng phải làm theo cách khéo léo. Người nói: “luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”9. Khéo léo trong phê bình và tự phê bình tức là những người cán bộ, đảng viên biết tự phê bình mình, phê bình đồng chí mình một cách chân thành và phê bình vào khi nào, nói như thế nào, bằng cách nào để đạt hiệu quả cao.
Trong quan niệm về khéo lãnh đạo, Hồ Chí Minh đề cập nhiều đến vấn đề phương pháp khéo léo trong quan hệ đối ngoại, ngoại giao, để “thêm bầu bạn, bớt kẻ thù” nhằm tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân ở trong nước và đoàn kết quốc tế thực hiện được các mục tiêu chính trị đặt ra. Có thể nói, chiếm vị trí quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nghệ thuật đối ngoại hay phương pháp khéo léo trong đối ngoại. Thể hiện ở phương pháp dự báo, khả năng dự cảm vượt thời gian, biết nắm đúng thời cơ, biết quyết đoán; đó là phong cách ngoại giao với tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, ứng xử linh hoạt, dễ cảm hoá và thuyết phục, ngắn gọn, hàm súc và dễ hiểu trong giao tiếp; biết vận dụng nhuần nhuyễn phương châm: biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến; đó còn là phương pháp của “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, biết nhân nhượng có nguyên tắc và lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ của đối phương.
Dĩ bất biến ứng vạn biến là một phương pháp ngoại giao đặc sắc Hồ Chí Minh, bắt nguồn từ triết lý phương Đông và đã được cha ông ta vận dụng tài tình trong nhiều thế kỷ đấu tranh dựng nước và giữ nước. Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng hiệu quả và sáng tạo triết lý và kinh nghiệm “lấy cái không thể thay đổi để ứng phó với muôn sự thay đổi” để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, tranh thủ mọi cơ hội nhằm xây dựng thế và lực cho cách mạng. “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”10. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét rằng, Hồ Chí Minh là con người biết mình muốn gì và đi đến đâu, biết tránh, vượt qua các thác ghềnh, biết thắng quân địch..., nắm vững nghệ thuật của điều có thể và không ngừng mở rộng giới hạn của điều có thể.
Khéo lãnh đạo của mỗi cán bộ, đảng viên có vai trò rất lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để có được sự khéo léo đó. Phải học lý luận, Người giải thích rằng: vì kém lý luận cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo11. Học lý luận sẽ nâng cao nhận thức chính trị, biết giải quyết và xử lý mọi tình huống phức tạp một cách khoa học, sáng suốt nhất. Học lý luận có thể qua trường, lớp, qua sách, báo của Đảng, qua thực tiễn hoạt động lãnh đạo, quản lý.
Muốn đạt tới sự khéo léo trong lãnh đạo, điều trước hết và cốt yếu của người cán bộ, đảng viên cần phải có đạo đức cách mạng. Cần có cái tâm trong sáng, có lý tưởng và bản lĩnh chính trị cao đẹp, có nhân cách cộng sản để “giàu sang không quyến rũ, gian khó không thay đổi, vũ lực không khuất phục”, biết “lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ”, mới tránh được các “thủ đoạn”, “sự cám dỗ của đồng tiền” trong lãnh đạo, tức những điều xấu xa, trái ngược với khéo lãnh đạo.
Những quan điểm về khéo lãnh đạo trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta, trong việc nâng cao “sức hấp dẫn của Đảng” giai đoạn hiện nay.
....................................
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.498.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 74.
3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 11 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 298, 249, 700, 119, 279, 287, 265, 234.
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 319.
Nguồn: xaydungdang.org.vn
Sưu tầm: S.N