Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan hệ đặc biệt Lào-Việt

Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng, cùng sống chung trên bán đảo Đông Dương, núi liền núi, sông liền sông, cùng uống chung dòng nước Mekong, cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và có mối quan hệ gắn bó với nhau từ lâu đời để cùng đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Những đặc điểm, hoàn cảnh đó đã gắn kết hai nước chúng ta lại với nhau thành một khối thống nhất, gắn bó chặt chẽ, cùng chia sẻ ngọt bùi và đồng cam cộng khổ với nhau trong suốt thời gian qua và đến tận ngày nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Kaysone Phomvihane (tháng 2-1966).

Ngay từ năm 1921, khi truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin trong phong trào giải phóng “Các dân tộc thuộc địa,” các dân tộc bị áp bức Á Đông, Nguyễn Ái Quốc đã bền bỉ tố cáo chế độ thực dân Pháp và đã mô tả nỗi khổ chung của nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam trong chế độ bắt phu đi làm tạp dịch, làm đường tại Đông Dương thuộc Pháp.

Chế độ tạp dịch thường xuyên cùng với chế độ trưng tập phu làm đường làm cho nhân dân Lào khốn khổ, sống trong cảnh luôn luôn nơm nớp lo sợ... điều đáng chú ý là chế độ bắt phu làm đường của thực dân Pháp vô cùng hà khắc: chúng không hề phân biệt ai là Việt, ai là Lào, mà chỉ coi là dân Đông Dương thuộc Pháp; nếu trốn đi phu hay nổi dậy chống lại đều bị bắn chết, những ai ốm đau đều phải gửi xác lại nơi “rừng xanh núi đỏ.”

Trên các đoạn đường xuyên Đông Dương đều có xác phu Việt bên cạnh xác phu Lào. Đó là những con đường được gọi là đường Lào-Việt hoặc đường Việt-Lào, nối liền bờ Biển Đông của Việt Nam đến tận bờ sông Mekong, từ Tây Bắc Việt Nam đến Bắc và Đông Bắc Lào. Người viết: “ở Luang Prabang nhiều phụ nữ nghèo khổ thảm thương phải mang xiềng đi quét đường chỉ vì một tội không nộp nổi thuế.

Không cam chịu ách nô lệ, từ đầu thế kỷ 20, nhân dân hai nước Lào-ViệtNam đã đoàn kết, cùng nhau đấu tranh chống Pháp. Đó là các cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Nam Lào dưới sự lãnh đạo của Ông Kẹo (1901), ông Kômmađăm (1907-1937); cuộc khởi nghĩa ở miền Bắc, từ Mường Thanh, Sơn La, Lai Châu của Việt Nam đến Houaphan, Xieng Khoang do Chạuphạ Pắtchay lãnh đạo (1918-1922).

Như vậy, trước 1930, đã xuất hiện đoàn kết Lào-Việt cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, nhưng lúc đó chỉ dừng lại ở tính chất tự phát do hạn chế về trình độ nhận thức và điều kiện lịch sử. Nhưng tình đoàn kết đó đã được phát triển mạnh mẽ và liên tục từ khi có chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, đặc biệt là từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng của hai dân tộc Lào-Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt-Lào, đó vừa là nghĩa vụ quốc tế, vừa là lợi ích sống còn của mỗi nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm chú theo dõi và dìu dắt, giúp đỡ phong trào cách mạng ở Lào với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”. Trong tư tưởng chỉ đạo và hoạt động thực tiễn, Người luôn luôn phát huy cao độ tính độc lập và chủ động của đồng bào các bộ tộc Lào.

Từ khi mới ra đời, tại Hội nghị Trung ương tháng 10-1930, Đảng Cộng sản Đông Dương đã xác định đường lối cách mạng của ba nước Đông Dương: ba nước đều là thuộc địa của Pháp... nên cần đoàn kết chống ách thống trị của bọn thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc...

Sau Hội nghị, thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số đảng viên của Đảng từ Việt Nam và Thái Lan đã sang hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng ở Lào, một số chi bộ cộng sản đã được thành lập ở Savannakhet, Thakhek, Vientiane, và đến tháng 9-1934 Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đã được thành lập tại Lào, chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng Lào. Đó là những mốc son lịch sử trong quan hệ Lào-ViệtNam; cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân hai nước gắn bó với nhau và ngày càng phát triển trong tình đoàn kết chiến đấu và tạo nên cơ sở cho tình đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng và hai nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn gắn chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản; luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ mật thiết cách mạng hai nước Lào-Việt Nam, nuôi dưỡng và phát huy sáng tạo sức mạnh chung của nhân dân hai nước để cùng tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Lào cũng như thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam, giành độc lập cho nhân dân mỗi nước năm 1945.

Ngày 2-9-1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời

Ngày 12-10-1945 tại Thủ đô Vientiane, Chính phủ lâm thời Lào Itsala được thành lập, thông qua Hiến pháp và tuyên bố nền độc lập trước thế giới. Ngày 14-10-1945, Việt Nam là nước đầu tiên gửi điện chúc mừng và tuyên bố thừa nhận Chính phủ Lào độc lập và ngày 30-10-1945, hai nước đã ký Hiệp ước Hợp tác tương trợ Việt-Lào. Với Hiệp ước này, quan hệ Việt-Lào đã chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn phát triển quan hệ đoàn kết giữa hai dân tộc anh em không chỉ trong quan hệ giữa nhân dân hai nước, mà còn trên tầm quan hệ gắn bó giữa hai nhà nước.

Chủ tịch Souphanouvong đã khái quát ý nghĩa trọng đại của sự kiện này: “Quan hệ LÀO-VIỆT từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới,” kỷ nguyên của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-ViệtNam giúp đỡ nhau vì mục tiêu chung của hai dân tộc. Cũng ngày 30-10-1945, Chính phủ hai nước quyết định thành lập Liên quân Lào-ViệtNam.

Thắng lợi đó dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương là thắng lợi của nhân dân hai nước cùng chung lý tưởng, cùng chung mục tiêu, đoàn kết gắn bó với nhau, cùng đấu tranh giành thắng lợi. Đó là bài học lịch sử đầu tiên vô cùng quý giá trong lịch sử cách mạng giải phóng của hai dân tộc anh em.

Sau ngày tuyên bố độc lập không được bao lâu, thì năm 1946 thực dân Pháp lại trở lại xâm lược hai nước Lào, Việt Nam lần thứ hai và hai dân tộc lập tức cùng sát cánh bên nhau chống ngoại xâm.

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: cần phải xây dựng ở Việt Nam, Lào và Miên từng Đảng cách mạng thích hợp để lãnh đạo phong trào cách mạng và công cuộc kháng chiến thắng lợi; để đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Lào thì phải xây dựng tại đây một vùng căn cứ địa của cả nước, nơi tập trung các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Mặt trận và tổ chức bộ máy lãnh đạo công cuộc cách mạng; trên cơ sở lực lượng đã có tích cực xây dựng phát triển lực lượng vũ trang, trong đó có Quân đội quốc gia Lào.

Thực hiện chủ trương trên, Sam Nua (Houaphan) đã được chọn để xây dựng căn cứ địa trung ương của cách mạng Lào. Sau một quá trình chuẩn bị, ngày 20-1-1949 Quân đội Lào Itsala được thành lập, do đồng chí Kaysone Phomvihane trực tiếp chỉ huy. Ngày 13-8-1950 thành lập Mặt trận “Neo Lào Itsala” và thành lập “Chính phủ kháng chiến Lào,” Hoàng thân Souphanouvong được cử làm Chủ tịch Mặt trận kiêm Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 11-3-1951, Hội nghị nhân dân ba nước Việt-Miên-Lào thành lập Mặt trận Liên minh nhân dân Việt-Miên-Lào, đề ra những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Đông Dương là đánh đuổi thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, làm cho ba nước hoàn toàn độc lập. Tháng 9-1952, tại Hội nghị cán bộ Mặt trận Liên minh nhân dân Việt-Miên-Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Việt Nam đoàn kết chặt chẽ, Lào đoàn kết chặt chẽ, Miên đoàn kết chặt chẽ, cả ba nước đoàn kết chặt chẽ thì nhất định sẽ đánh tan bọn xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ, giành độc lập, tự do cho mỗi nước.

Những sự kiện lớn đó là những bước đi quan trọng của cuộc đấu tranh cách mạng Lào, phối hợp cùng đấu tranh, cùng đoàn kết với nhân dân Việt Nam chiến đấu giành thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử 1954, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva công nhận nền độc lập, tự do của ba nước Đông Dương.

Bằng việc xây dựng hệ thống quan điểm và chỉ đạo thực tiễn thực hiện liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa Việt Nam và Lào, cũng như sự quan tâm, phát hiện và xây dựng nhân tố bên trong cho cách mạng Lào, đã dẫn tới việc thành lập Đảng Nhân dân Lào ngày 22-3-1955, sau này là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (tháng 2-1972), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thật sự đã đặt nền móng cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.

Đó là mối quan hệ vừa bảo đảm lợi ích dân tộc, vừa bảo đảm kết hợp hài hòa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, để cùng hướng tới mục tiêu chung là giải phóng dân tộc và tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa.

Đúng như Chủ tịch Kaysone Phomvihane đánh giá: “Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Hồ chí Minh sáng lập đã ra đời, là bước ngoặt lịch sử của cách mạng ba nước Đông Dương. Từ đó trở đi, dưới sự lãnh đạo của Đảng Mác-Lênin chân chính và với ngọn cờ cách mạng dân tộc, dân chủ cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào đã bước vào thời kỳ mới và với chất lượng mới hoàn toàn.”

Điều đó càng chứng tỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đóng góp về lý luận, đường lối, phương hướng cách mạng mà Người còn quan tâm đến cả việc tổ chức, chỉ đạo thực tiễn cách mạng Lào. Trong điếu văn đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức ngày 5-9-1969 tại Sam Neua, vùng giải phóng Lào, Tổng bí thư Đảng Nhân dân Lào nói: “Đối với cách mạng Lào chúng ta, đồng chí Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo cho Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Lào trước đây, cũng như sau này cho Đảng Nhân dân Lào khi Đảng đã được thành lập."

Chủ tịch trực tiếp giúp cho chúng ta những ý kiến quan trọng về chiến lược, sách lược, về phương thức hoạt động. Nhờ đó mà trong tình thế vô cùng gay go gian khổ, Đảng đã ra sức vận động quần chúng, tổ chức và lãnh đạo nhân dân Lào đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám thành công giành chính quyền về tay mình, tuyên bố nền độc lập của Lào ngày 12-10-1945. Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp đỡ tận tình cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân ta...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú ý hướng dẫn việc chuyển hướng trọng tâm hoạt động trong từng thời kỳ, xây dựng cơ sở nhân dân, phát động quần chúng nông dân, xây dựng các khu căn cứ kháng chiến, xây dựng lực lương vũ trang cách mạng, mở rộng mặt trận thống nhất, xây dựng Đảng Mác-Lênin chân chính...

Trong các cuộc đấu tranh để thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc có lực lượng cách mạng Lào tham gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần dặn dò: vào hòa hợp là thắng lợi về sách lược, vấn đề chủ yếu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược là phải quan tâm củng cố và phát triển lực lượng cách mạng để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, không ngừng đưa cách mạng tiến lên.”

Thấm nhuần chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Nhân dân Lào (Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) đã lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào phát triển mạnh mẽ, giành những thắng lợi ngày càng to lớn và tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.

Sự nghiệp cách mạng của hai nước Lào-Việt Nam có mối quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau một cách đặc biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ điều đó và thường xuyên căn dặn: “Cách mạng Lào không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam và cách mạng Việt Nam cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Lào.”

Với quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào, với thiện chí chân tình, thông cảm nhau sâu sắc trên tình đồng chí anh em, giúp bạn là tự giúp mình, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã cử hàng chục vạn con em yêu quý của mình sang công tác và phối hợp với quân và dân Lào chiến đấu tại các chiến trường của Lào, máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ Việt Nam hòa quyện với máu của quân và dân Lào để đem lại thắng lợi vẻ vang cho hai dân tộc.

Cũng với tình cảm đặc biệt, Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào đã dành phần đất của mình để giúp Việt Nam xây dựng “Đường Hồ Chí Minh,” “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 và tạo điều kiện cho cách mạng Lào giành thắng lợi hoàn toàn và thiết lập nên nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày 2-12-1975.

Thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử trọng đại đó là minh chứng hùng hồn cho tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt, thủy chung, trong sáng và khẳng định lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt Nam kháng chiến có thành công, thì kháng chiến Miên, Lào mới thắng lợi; và kháng chiến Miên, Lào có thắng lợi, thì kháng chiến Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi.”

Tình hữu nghị và đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam là kết quả của việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Đảng Công sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam và Lào, là một trong những thành quả cách mạng của hai dân tộc, do nhân dân hai nước cùng nhau xây dựng nên và được xây đắp bằng công sức, xương máu của nhân dân hai nước. Đó là di sản vô cùng quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta.

Kế thừa di sản quý báu của Chủ tịch Hồ chí Minh, từ sau ngày hai nước được hoàn toàn giải phóng, quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới chặt chẽ hơn, toàn diện hơn, giúp nhau khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, xây dựng đất nước hoà bình, độc lập, dân chủ với nền kinh tế, văn hóa, khoa học phát triển, giữ vững quốc phòng-an ninh, làm thất bại âm mưu bao vây cấm vận, phá hoại của các thế lực thù địch.

Ngày 18-7-1977, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào được ký kết, là cơ sở pháp lý quan trọng, đánh dấu mốc phát triển mới của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, nhằm khai thác tiền năng, thế mạnh bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước của mỗi nước.

Trải qua hơn 30 năm thực hiện, nhất là từ khi hai nước thực hiện công cuộc đổi mới, trong tình hình hội nhập với nhiều biến động, nhiều khó khăn và thách thức do tác động của tình hình thế giới và khu vực, nhưng với truyền thống tốt đẹp của mối quan hệ đặc biệt và dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam, quan hệ giữa hai nước ngày càng được tăng cường, mở rộng và nhất định sẽ giành được những thắng lợi to lớn hơn, chất lượng và hiệu quả cao hơn, thiết thực góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững như câu thơ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Việt-Lào hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”

Chủ tịch Kaysone Phomvihane cũng đã khẳng định: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào mãi mãi bền vững.”

Trong suốt cuộc hành trình lịch sử này, Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào chúng tôi mãi mãi ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Chúng tôi nguyện cùng với nhân dân Việt Nam tiếp tục tăng cường củng cố và vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước; tăng cường tuyên truyền giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, cho thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc và bảo vệ, phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt đó, vì quan hệ hữu nghị đặc biệt Lào-Việt Nam mãi mãi là tài sản vô giá, là hành trang không thể thiếu của hai dân tộc trên con đường xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

(Nguồn:TTXVN)

Sưu tầm: S.N


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng