Đồng đội tôi đó! Trường Đại học An Giang trong tôi đó!
Lác đác vài đoạn đối thoại quen thuộc tôi nghe được ở đâu đó về sinh hoạt của người trẻ. Có thể bình thường vụng trộm lười một tý, trốn việc một tý, bận bịu những thứ xung quanh một tý; nhưng khi đồng đội cần, các bạn sẵn sàng gác lại tất cả, cùng người dân quê mình chung tay chống dịch.
Nhớ những ngày đợt dịch thứ tư vừa bùng phát, 30 chiến sĩ đầu tiên của Trường Đại học An Giang đã xung phong tham gia trực chốt T2 Vàm Cống, hỗ trợ người dân khai báo y tế, phân luồng giao thông, cài đặt các ứng dụng khai báo điện tử, góp phần ngăn chặn, hạn chế tối đa những tình trạng vượt biên, xâm nhập trái phép vào địa phận tỉnh An Giang, tạo thành lá chắn vững chắc bảo vệ người dân quê mình. Nhớ những ngày ấy, có bạn trực liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ không ngủ, không nghỉ, có bạn trực xuyên đêm, có bạn tự cách ly chẳng dám về nhà và cũng có những bạn nhỏ, mới lớp 10, ngày ngày đạp xe đi về giữa Chợ Mới - Long Xuyên để cùng tham gia chống dịch.
Lại những ngày Long xuyên im ắng buồn, người dân tuân thủ chỉ thị 16 nên ở yên trong nhà, còn các bạn lại tiếp tục hành trình của mình với nắng với mưa. Mỗi khi thời sự quay đến cảnh trái gió trở trời, tôi lại thấy xót xa khi những chiến sĩ đơn bạc dưới màn mưa, người tay cố sức trụ vững thân dù, người co ro một góc tìm chút hơi ấm. Gần 3 tháng giãn cách xã hội là 3 tháng nỗ lực không ngừng của chiến sĩ. Tôi nhớ lắm cô bé nhỏ nhắn Võ Thị Phương Thanh (DH21MN) mỗi ngày đạp xe hơn 30 cây số để đi trực chốt, và bị thương phải vào viện khâu 5 mũi. Tôi nhớ lắm chàng trai Trần Văn Liến (CD43TH), “người hùng” của đội, người chỉ huy “nhí” và xung kích trên mọi mặt trận, tính đến nay, bạn đã 35 lần test covid 19, kiên trì thực hiện nhiệm vụ chống dịch. Tôi nhớ lắm những lời “tiếc hùi hụi” của những bạn “lỡ” về quê, không thể sát cánh cùng động đội trực các chốt. Vậy là mỗi người chọn một lối đi riêng, một cách thức để giúp đỡ cộng đồng. Bạn Đoàn Phú Quý (DH19DL) chọn đồng hành bên “Chuyến xe 0 đồng”, mang những thức quà đơn giản như rau, mì, trứng đến bà con huyện Tịnh Biên. Bạn Nguyễn Trung Toàn (DH19SU) tham gia xuyên suốt mọi mặt trận trên địa bàn huyện Châu Thành, từ hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến test nhanh covid, hỗ trợ công an giao thông tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường,… Chàng trai 19 tuổi, Nguyễn Thanh Nhựt (DH21MK) của chúng ta lại không ngần ngại đi thuyền vượt bão, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên đảo. Không một người dân nào bị bỏ lại phía sau và không một thanh niên xung kích nào phải đơn độc trong hành trình ấy. Những 16 bạn sinh viên tình nguyện Trường Đại học An Giang đã cùng với thanh niên xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới tích cực tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa: lau dọn phòng, sắp xếp, chuẩn bị sẵn sàng cho 2 khu cách ly tập trung tại trường THCS Nguyễn Văn Tây và trường THPT Võ Thành Trinh; làm 100 tấm kính chắn giọt bắn tặng cho lực lượng các chốt trên địa bàn xã; hỗ trợ hậu cần trong những ngày đầu khu cách ly tập trung hoạt động. Đoàn khoa Kinh tế - QTKD lại chọn quan tâm đến các em nhỏ, mang “Trung thu cho em 2021”, trao tặng gần 200 phần quà cho thiếu nhi xã Mỹ Khánh – thành phố Long Xuyên và xã Hòa Bình - huyện Chợ Mới. Còn nhiều lắm những tấm lòng để nhớ, những tấm gương để ca ngợi và những hành động vô danh để tự hào. Tinh thần mùa dịch là như vậy đấy, chẳng ai bảo ai, tất cả cứ lặng lẽ, cống hiến sức mình, “vì mình còn trẻ và vì mình có thể”.
Đầu tháng này, quê mình chứng kiến cuộc “đại di cư” lớn nhất trong lịch sử, đoàn người “rồng rắn” dắt dìu nhau về quê sinh sống. Quê mình mở rộng vòng tay đón chào họ, đón những đứa con xa xứ về bên mái ấm thân thương. Vậy là các trạm kiểm soát, các chốt trực luôn trong tình trạng quá tải, các bạn tình nguyện viên luôn trong trạng thái căng thẳng, làm việc hết công suất nhưng cũng không thể giải quyết toàn bộ thủ tục thông quan cho người dân. Tinh thần tình nguyện lại một lần nữa được nâng cao. Hàng trăm bạn sinh viên sẵn sàng hưởng ứng. Người chi viện trạm T2 Vàm Cống, người có mặt tại các trường học, các cửa ngõ vào thành phố, nơi đâu có chốt trực, nơi đó có bóng áo xanh tình nguyện. Hàng ngàn người dân về Trường Đại học An Giang làm thủ tục và tạm trú cũng là hàng ngàn người được sinh viên trường hỗ trợ, sẻ chia. Những hộp cơm, những chai nước khoáng được trao tận tay cho bà con, em nhỏ được uống sữa, người về được áo mưa, được hỗ trợ xăng dầu, phí di chuyển. Người được sửa xe, người được hỗ trợ khai báo y tế toàn diện, người ốm yếu được chăm sóc, người kiệt sức được cõng về…
Sinh viên chẳng ai bảo ai, dẫu biết tham gia rồi có nhiều vất vả, có khả năng nhiễm bệnh, nhưng là thanh niên trẻ, khỏe và bản lĩnh nên ai cũng luôn tay luôn chân, không ngại khó ngại khổ. Ngày nắng chan chát, trong bộ đồ bảo hộ nóng bức không ngừng test covid cho bà con, luôn tay vỗ về em nhỏ “đừng sợ, mau lớn giống chị đây”. Đêm về ngã lưng đâu đó, trên dãy hành lang, trên băng ghế, trên gạch, trên vỉa hè,… bất kì nơi đâu, chỉ cần có thể tạm nghỉ một chút, phục hồi sức lực mai này tiếp tục hỗ trợ bà con mình. Nhìn cảnh đồng đội mình “màn trời chiếu đất” mà lòng mình như lửa đốt, ước gì bản thân mình đang trong trận chiến, đang làm chiến sĩ, đang kề vai sát cánh cùng mọi người thì hay quá. Tấm lòng nhiệt huyết của các bạn làm mình thấy thẹn, cũng thấy ngưỡng mộ vô cùng. Bạn Dương Thị Kim Ngân (DH18TA) nhận được lời kêu gọi từ trường thì lập tức rời quê, từ bỏ nếp sinh hoạt an ổn để đi vào “tâm dịch”. Có những bạn được thầy cô thông cảm, bỏ dở những tiết học đầu năm để tiếp tục nhiệm vụ chống dịch. Có người thầy – người anh mang tên Trần Trung Quốc ban ngày dạy học online, chiều về lại đồng hành cùng chiến sĩ, giúp đỡ bà con mình. Có người cô ngồi đong từng lít xăng cho xe về các huyện. Có người anh kêu gọi từng chiếc áo mưa, san sẻ cho đồng bào mình những đêm trời nổi gió. Có người chị nấu từng chai nước mát, ép từng chai nước cam với hi vọng tăng sức đề kháng, giúp mọi người chống chọi với bệnh tật. Có người em trai phân luồng giao thông, tập trung hướng dẫn bà con về đúng huyện của mình để thuận tiện cho việc di chuyển. Có người em gái lặng lẽ đi nhặt từng miếng rác, trả lại bầu không khí xanh trong và vẻ mỹ quan nơi trường học. Còn có 200 phần quà và 200 lít nước rửa tay do Công đoàn Trường trao tặng tay đến người dân xa xứ… Đồng đội tôi đó! Trường Đại học An Giang trong tôi đó! Có lẽ ngày thường mỗi người một tính cách, một suy nghĩ, một quan niệm. Nhưng đại dịch này, chẳng còn tìm được cái “tôi” chung mà chỉ còn cái “ta” chung, quanh đi quẩn lại, chỉ có hai chữ ĐỒNG TÂM.
Gần 15 ngày qua, đoàn người về quê đã bớt ồ ạt, các bạn tình nguyện viên Trường Đại học An Giang cũng có thể thở phào nhẹ nhõm. Giờ đây, các bạn đang trải nghiệm hành trình mới, hành trình mang tên tự cách ly. Vì sao vậy? Vì không ai muốn là người bệnh và càng không ai muốn lây bệnh cho cộng động. Dù đã đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch, nhưng để cẩn thận hơn, các bạn vẫn tham gia cách ly tập trung tại Ký túc xá Trường Đại học An Giang và Trường Chính trị Tôn Đức Thắng. Bạn Nguyễn Huỳnh Châu (DH18LU2) còn dí dỏm gọi hành trình đó là “du lịch nghỉ dưỡng”, không có áp lực, không có gánh nặng, chỉ chuyên tâm hồi phục sức khỏe, đợi đủ thời gian quay về có thể tiếp tục cống hiến vì cộng động. Cảm ơn các bạn vì tinh thần và hành động ấy! Cảm ơn vì tất cả!
Đại dịch Covid gây tang thương mất mát, nhưng nó cũng khơi gợi tinh thần dân tộc, người dân đoàn kết một lòng, san sẻ và chở che nhau, thực hiện đúng phương châm “lá lành đùm lá rách”. Nho nhỏ trong Trường Đại học An Giang, dịch Covid -19 thổi bùng lên sức mạnh đồng đội, tinh thần tương thân tương ái của các bạn đoàn viên. Tuổi trẻ thật đáng quý, vì tuổi trẻ không sợ sai lầm, không chùn bước trước gian khó, không ngại dấn thân và cũng không ngại phấn đấu quên mình. Tự hào vì một lần tuổi trẻ, tự hào về tinh thần xung kích tình nguyện của Trường Đại học An Giang nói riêng và cả nước nói chung. Tự hào vì tất cả bà con mình đã được về với quê nhà, vui mừng vì đại dịch đang từng ngày chiến bại. Mong đại dịch sớm qua để cuộc sống sớm ngày an ổn, để màu xanh tuổi trẻ mãi phấp phới trên mọi nẻo đường. Xin mượn lời bài hát “Lá xanh” của nhạc sĩ Hoàng Việt để thay lời kết cho tuổi trẻ, cho những tự hào trong tôi và cho những “người hùng” đã kề vai sát cánh đẩy lùi đại dịch.
“Lá còn xanh như anh đang còn trẻ
Lá trên cành như anh trong đoàn quân
Gió rung cây cành lá tưng bừng đùa vui
Anh trai làng có đi chiến dịch mùa xuân”
(Hoàng Việt)
Ngọc Hân (DH18NV, Trường Đại học An Giang)