Cô gái xứ lụa khởi nghiệp mắm chao cá mè vinh - đặc sản vùng đất Tân Châu
Từ những năm tháng trên giảng đường Đại học, đã nung nấu ước mơ của một cô sinh viên về khởi nghiệp tại quê nhà, đến khi tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ sinh học trường Đại học An Giang, và đã đi làm với nhiều vị trí khác nhau tại các công ty, siêu thị Coopmart như đã rèn luyện cho bản thân thêm nhiều kĩ năng.
Vào tháng 08/2020 là mốc thời gian quan trọng đánh dấu sự bắt đầu con đường khởi nghiệp của chị Trần Thị Kim Ngân với mắm chao cá mè vinh - đặc sản vùng đất Tân Châu.
Sau khoảng thời gian dài loay hoay trong ước mơ khởi nghiệp của mình, vì không biết sẽ bắt đầu với điều gì và làm ra sao. Thì một cơ duyên đã đến với chị Kim Ngân, khi mà trong một dịp tình cờ, chị và các đồng nghiệp được thưởng thức món mắm cá mè vinh, và nhận thấy, mọi người đều rất thích món ăn này, ngay cả bản thân chị cũng bắt đầu có những tò mò. Vậy là chị Kim Ngân đã đem câu chuyện ấy về kể lại cho cha mình nghe, chị mới biết được rằng, trước đây, cha chị - mà mọi người vẫn thường quen gọi là ông Ba Lộc, cứ vào mùa nước nổi, là cha của chị sẽ mua hai ba chục kg cá về ủ khạp mắm dùng trong gia đình và biếu tặng người thân… Qua từng lời kể của cha, chị Kim Ngân đã dần định hướng ra được con đường khởi nghiệp của mình là bắt tay vào làm mắm chao cá mè vinh vào tháng 08/2020, chị Trần Thị Kim Ngân - Khóm Long Châu - phường Long Châu chia sẻ thêm: "Điều mà thôi thúc để đến giai đoàn này, có thể thực hiện được là tôi tìm hiểu trên thông tin là có chương trình Ocop của Chính phủ mỗi xã 01 sản phẩm và các chuỗi, tổ chức của cơ quan ban ngành về cuộc thi khởi nghiệp, thì đó là hai yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định mở cơ sở trong thời gian này. Ban đầu khởi nghiệp, mình khó khăn nhất là kinh nghiệm, mình sẽ không biết là bắt đầu từ đâu, với lại mình hay lo ngại, mình sợ lắm, mình không biết là mình đã làm đúng không, có gặp trục trặc gì không, nhưng mà với sự hướng dẫn của ba về công thức nè, từ thầy nữa rồi của những người bạn đi trước, cũng hướng dẫn cho mình, cho nên mình vững vàng, vững tin hơn bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình".
Với sức trẻ cùng những kiến thức đã học và kinh nghiệm thực tế sau khi đi làm, chị Kim Ngân đã chủ động đi tìm hiểu thị trường về mắm cá mè vinh, và dần hình thành được hướng đi cần thiết để làm sao sản phẩm mắm chao cá mè vinh được thành công. Phía sau chị Kim Ngân luôn có cha mẹ chị, là hậu phương vững chắc và hun đúc tinh thần cho chị, mỗi khi làm mẻ mắm là chú Ba Lộc đều đứng bên cạnh chỉ dẫn từng bước một, "Công thức chao mắm yếu tố quyết định nhất là về chất lượng cá, và liều lượng các nguyên liệu mình làm, đây là công thức gia truyền của mình, và điều đặc biệt của cá mè vinh của mình là bên trong có cơm rượu, và sản phẩm mà chất lượng nhất là làm sao sản phẩm có màu vàng nâu đẹp mắt, và có được hương thơm, thịt cá thì lại bùi béo, và có xương bị mất đi thì đó là chất lượng sản phẩm tốt nhất. Tôi mong muốn sản phẩm của mình sẽ là sản phẩm đại diện được hình ảnh và gắn với quê hương của mình, và khi mà du khách đến Tân Châu hoặc ở đâu đó khi mà nhìn thấy được con cá mè vinh, sẽ nghĩ ngay là ở Tân Châu có sản phẩm mắm cá mè vinh", chị Trần Thị Kim Ngân chia sẻ.
Bước đầu khởi nghiệp, với nguồn vốn ít ỏi và để tránh rủi ro, chị Kim Ngân đã lựa chọn cách sản xuất mắm chia thành nhiều đợt, mỗi đợt lấy gần 100kg cá tươi, cứ 02 tuần sẽ lấy cá một lần, và từ khi ủ mắm đến khi xuất bán từ 03 tháng đến 03 tháng rưỡi. Với thành công từ những mẻ mắm đầu tiên, đến nay, chị Kim Ngân đã chủ động và làm thêm những loại mắm chao các loài cá khác, chị Kim Ngân cho biết: "Bên cạnh việc sản xuất mắm chao cá mè vinh đặc sản Tân Châu, cơ sở tôi cũng cho ra sản phẩm mắm chao cá he, và mắm chao cá lóc, vẫn chao bằng cái công thức là chao mắm truyền thống giống như cá mè vinh, bên trong nguyên liệu cũng có cơm rượu, sản phẩm này tôi đã nghiên cứu, và hương vị nó rất đặc trưng, rất là khác so với những sản phẩm mắm cá lóc hiện tại bên ngoài thị trường, vì bên trong nguyên liệu có cơm rượu nên dẫn đến hương vị sẽ khác. Đối với mắm chao cá he thì sản phẩm sẽ có vị là bùi và ngọt, vì bên trong bản thân con cá he, thịt nó ngọt hơn, béo hơn cá mè vinh, cho nên là cơ sở tôi nghiên cứu thêm sản xuất thêm mắm cá he để làm đa dạng hơn sản phẩm của mình".
Bên cạnh hướng đến chất lượng sản phẩm, chị Kim Ngân còn rất chú trọng đến nhãn hiệu, bao bì, đóng gói sản phẩm, để làm sao, mắm chao cá mè vinh sẽ là sự lựa chọn tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng. Quyết định chọn hình ảnh thương hiệu, chị Kim Ngân chọn hình ảnh cha mình và đặt tên "Mắm ông Ba Lộc", vì điều chị mong muốn chính là khơi dậy, tiếp nối nghề truyền thống của cha mình và hướng đến quảng bá đặc sản quê hương Tân Châu. Chị Trần Thị Kim Ngân chia sẻ: "Trong thời đại hiện nay, với xu hướng mà người tiêu dùng khắt khe hơn trong việc chọn lựa sản phẩm, chất lượng sản phẩm cũng phải chất lượng hơn, về bao bì mẫu mã cũng phải đầu tư nhiều hơn. Và đặc biệt là phải thân thiện với môi trường, phải sử dụng những bao bì có thể tái sử dụng lại, phải quan tâm về nhãn hiệu, nhãn mác hơn, và có đầu tư vào phần mà truy xuất nguồn gốc để giúp khách hàng của mình có thể biết rõ hơn sản phẩm của họ đang dùng, thì đó là sản phẩm tôi nghĩ là trong thời đại hiện nay, khách hàng sẽ rất cần thiết với họ".
Song song đó, điểm nổi bậc ở mắm chao cá mè vinh của chị Kim Ngân là không phẩm màu, không chất bảo quản, là nguồn cá tự nhiên không nuôi bằng thức ăn, không cần thêm gia vị khi chế biến…. Và chia sẻ cách làm món ăn, chị Kim Ngân cho biết mắm chao cá mè vinh, cá he hay cá lóc thường dùng để chiên hoặc chưng với thịt bằm. Tại cơ sở của chị đang cung ứng thị trường giá bán lẻ mắm chao cá mè vinh từ 85.000đ đến 250.000đ, sản phẩm mắm chao cá he giá bán từ 90.000đ đến 190.000đ, mắm chao cá lóc giá từ 70.000đ đến 145.000đ. Và khoảng gần 02 tuần nữa, chị Kim Ngân sẽ có khoảng 200kg mắm chao cá mè vinh để sẵn sàng phục vụ Thị trường Tết. Để góp phần quảng bá sản phẩm đến với khách hàng gần xa, chị Kim Ngân còn chủ động giới thiệu sản phẩm của mình tại chợ phiên khởi nghiệp do UBND Tỉnh An Giang và Sở Công thương tổ chức tại thành phố Long Xuyên, tham gia tập huấn Ocop tại Tịnh Biên, tham gia trưng bày chung kết cuộc thi khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long năm 2020, top 12 dự án vào bán kết Starup hunt 2020 tại Hà Nội và bước ngoặc lớn trên chặng đường khởi nghiệp của chị Kim Ngân là sản phẩm mắm chao cá mè vinh của chị đã đạt giải 03 tại cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang, lần thứ IV năm 2020". Chị Trần Thị Kim Ngân - khóm Long Châu, phường Long Châu bày tỏ: "Tôi cũng chỉ mong là sản phẩm của mình được nhiều cơ quan biết đến nhiều hơn, giúp mình truyền thông nhiều hơn, sẽ được tham dự những sự kiện, những hội chợ của địa phương, của tỉnh hoặc là khu vực, để có thể tuyên truyền sản phẩm của mình nhiều hơn".
Với thông điệp Mắm ông Ba Lộc của chị Trần Thị Kim Ngân gửi gắm bằng tất cả lòng nhiệt huyết và tình yêu đối với quê hương, chị Kim Ngân sẽ luôn tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn cho người sử dụng, mang đậm nét văn hóa ẩm thực An Giang, chúng tôi vẫn luôn hy vọng rằng, hành trình trên con đường khởi nghiệp của chị Kim Ngân sẽ có nhiều hơn những thuận lợi và sự đồng hành hỗ trợ từ địa phương, các cơ quan chuyên môn, để tiếp thêm nguồn động lực cho một người trẻ để mắm chao cá mè vinh sẽ "Trọn đậm đà vẹn yêu thương" như điều mà chị Trần Thị Kim Ngân luôn ấp ủ và sản phẩm chất lượng được đến tay với người tiêu dùng gần xa, góp phần quảng bá món ăn đặc trưng vùng đất Tân Châu.
Huyền Thoại