Chống xuyên tạc bên thềm Đại hội XIII của Đảng!

Đối với nước ta, Đại hội toàn quốc của Đảng là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới của đất nước. Nhưng trong thời gian gần đây, nhất là từ sau khi Liên Xô sụp đổ, mỗi dịp Đảng ta tiến hành Đại hội, các thế lực thù địch lại tung ra các luận điệu chống đối.

Bên thềm Đại hội XIII chúng đang rêu rao rằng dự thảo các văn kiện "không có gì mới", vẫn tiếp tục "giáo điều" theo chủ nghĩa Mác - Lênin lỗi thời, vẫn là sự "sao chép" Văn kiện các khóa trước… Từ đó quy kết Đảng ta đang gặp "khủng hoảng về tư tưởng lý luận".

 

Lịch sử đã ghi nhận có một thời kỳ đất nước ta, dân tộc ta rơi vào sự "khủng hoảng sâu sắc về đường lối". Nó bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta. Mặc dù nhiều phong trào yêu nước diễn ra liên tục và mạnh mẽ với nhiều khuynh hướng. Nhưng, do thiếu một đường lối đúng, tất cả đều thất bại. Chính trong sự bế tắc đó: Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm con đường mới cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở học thuyết cách mạng này con đường cứu nước đúng đắn. Từ đó, dày công chuẩn bị những điều kiện cần thiết, đến năm 1930 dựng nên Đảng ta. Đây là một bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối!

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn 90 năm qua cách mạng nước ta, dân tộc ta đã trải qua những chặng đường khó khăn, gian khổ; vượt qua nhiều thử thách, hy sinh để giành được những thắng lợi vĩ đại. Nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trước hết là khả năng "nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra". Thắng lợi to lớn đó bao giờ cũng gắn liền với sự phát triển về lý luận. 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Nó đã nhanh chóng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý đất nước, tổ chức toàn dân tiến hành cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ dẫn tới việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước chung tay thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH trên miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ,  ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, giang sơn thu về một mối. Trong lúc phải khẩn trương khắc phục những hậu quả vô cùng nặng nề do chiến tranh để lại, Quân đội và Nhân dân cả nước vừa tập trung khôi phục kinh tế - xã hội, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời, làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và tiến hành công cuộc hồi sinh đất nước.

Trước những yêu cầu mới của sự phát triển đất nước, để khắc phục những bất cập của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp dẫn tới sự khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm sau chiến tranh, trên cơ sở tổng kết sáng kiến, sáng tạo trong thực tiễn của Nhân dân, Đảng ta đã tiến hành đổi mới từng phần trong nông nghiệp, công nghiệp… Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đề ra Đường lối ĐỔI MỚI toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới ra đời đã đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, thể hiện bản lĩnh vững vàng, tư duy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của đất nước.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đường lối đổi mới, Đảng ta luôn luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lý, quan điểm cơ bản, phương pháp duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kinh nghiệm thực tiễn ở trong nước và quốc tế, xử lý tốt các mối quan hệ cơ bản như phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa "của dân, do dân và vì dân"; kết hợp chặt chẽ đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; kết hợp có hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng-an ninh, giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữa độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ... Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí,…

Riêng dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần này đã và đang được chuẩn bị một cách rất công phu, bài bản, chu đáo; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, lắng nghe các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và Nhân dân; lựa chọn, chắt lọc, tham khảo các đề xuất tâm huyết, trách nhiệm; kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Các văn kiện trình Đại hội của Đảng đã thể hiện được những quan điểm, chủ trương, phương hướng lớn, cho thấy tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Thực tiễn ngày càng khẳng định con đường đi lên của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là sáng suốt, nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng đẩy mạnh công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta tiếp tục hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.

Trung Thành (TUAG)


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng