Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - quyết tâm chính trị của Đảng
Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XIII) đã thảo luận, quyết định những “vấn đề sống còn của Đảng và chế độ”.
Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng ta đã đạt nhiều kết quả rõ rệt được cán bộ, đảng viên và Nhân dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá rất cao, đồng thời đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng thời gian tới.
Lợi dụng sự kiện chính trị quan trọng này, trên không gian mạng các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động lập tức tăng cường tuyên truyền xuyên tạc chống phá trên nhiều phương diện, nhiều góc độ khác nhau. Đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta chúng cho rằng thực chất không hiệu quả, vấn đề này tiếp tục được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) cho thấy cuộc “thanh trừng nội bộ” còn tiếp tục và càng gây gắt hơn, chúng còn chỉ ra nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng là “do chế độ”,… Luận điệu xảo trá này là những âm mưu thâm độc, nguy hiểm nhằm hạ thấp vai trò, ý nghĩa của Hội nghị; làm xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, vì vậy cần phải đề cao cảnh giác, nhận diện, đấu tranh.
Tham nhũng là vấn nạn mà hầu hết quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt, lịch sử đã chứng minh dù thời kỳ nào, chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế giàu hay nghèo, thì “căn bệnh nan y” này dường như khó trị, trong từng quốc gia, tham nhũng có thể xảy ra ở nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Vì thế mà Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng và Ngày Quốc tế chống tham nhũng đã ra đời, khẳng định một quyết tâm chung trong “cuộc chiến” chống tham nhũng.
Tuy nhiên, ngày 28/01/2020 Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã công bố chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2020, cho thấy một bức tranh màu xám về tình trạng tham nhũng trên toàn thế giới. Nghiên cứu của TI chỉ ra, trong gần một thập kỷ qua, hầu hết quốc gia đạt được rất ít hoặc không đạt được tiến bộ nào trong việc giải quyết tham nhũng, với hơn 2/3 trong số 180 quốc gia được đánh giá chỉ đạt điểm dưới 50 trên thang điểm 100 (điểm càng cao mức độ cảm nhận tham nhũng càng thấp). Nhiều nước đa đảng, thường xuyên được xếp hàng đầu thế giới về chống tham nhũng thì cũng chưa nước nào đạt được 90/100 theo thang điểm, điều đó cho thấy tham nhũng vẫn hiện diện ở ngay những nước đa đảng vốn được phương Tây tự coi là dân chủ và trong sạch nhất.
Tại Việt Nam, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi đúng lộ trình, vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm. Các biện pháp thực hiện đồng bộ để vừa chủ động phòng ngừa, vừa kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng và cả các hành vi bao che, dung túng tiếp tay cho tham nhũng. Trong 05 năm (2015-2020), các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng; trong đó có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý cả đương chức và nghỉ hưu. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng cảnh báo, răn đe, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Điều tra xã hội học tháng 7/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy đa số người được hỏi rất tin tưởng vào nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta đánh giá tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) Trung ương thống nhất cao, cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trong đó xác định công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong toàn Đảng; vì “tham nhũng kinh tế làm mất tiền bạc, nhưng suy thoái, tiêu cực không chỉ làm mất cán bộ mà nặng hơn là làm giảm uy tín của Đảng, thậm chí có thể làm mất chế độ…”. Từ đó, Trung ương bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và chỉnh đốn Đảng “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm”. Điều này cho thấy bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đó chính là cùng với việc tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Đảng ta còn nhấn mạnh đến việc “xử lý nghiêm cán bộ sai phạm”, ngăn chặn từ gốc những biểu hiện tiêu cực để ngăn ngừa từ xa các hành vi tham nhũng.
Liên tiếp từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đến nay, tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chọn nội dung về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mỗi lần lại bổ sung những nội dung, yêu cầu nhiệm vụ, giải pháp mới mang tư tưởng chỉ đạo mới với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn để cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh xứng đáng vai trò lãnh đạo.
Việc viện dẫn hay đưa ra một quan điểm, luận chứng thiếu căn cứ, không đúng sự thật để kết luận rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng ta không hiệu quả, “thanh trừng nội bộ”, “do chế độ” là không khách quan, không có tinh thần xây dựng mà thậm chí có ý đồ phá hoại của thế lực thù địch, cần phải đấu tranh kiên quyết loại bỏ khỏi đời sống chính trị, xã hội.
ST