Vận dụng phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII

Phong cách Hồ Chí Minh và công tác xây dựng đảng có mối liên hệ, gắn kết chặt chẽ với nhau. Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh cũng có nghĩa là chúng ta đang thực hiện công tác xây dựng đảng thiết thực nhất, khoa học nhất.

Nếu phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể nhất quán có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động; là giá trị cốt lõi về tính nhân văn trong tư tưởng, đạo đức của Người, thì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chứa đựng sâu sắc những chuẩn mực giá trị về đạo đức, văn minh của một Đảng cầm quyền; trở thành những nguyên tắc trong mỗi hành động, lời nói, cử chỉ, việc làm và sinh hoạt hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Từ đó, giúp cho cán bộ, đảng viên ngày càng có phẩm chất cách mạng, bản lĩnh chính trị, tư duy khoa học, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Vận dụng phong cách Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ nói chung và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng là vận dụng những giá trị cốt lõi, tính nhân văn được kết tinh từ những đặc trưng tiêu biểu Hồ Chí Minh vào cuộc sống của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức, cơ sở đảng. Điều đó, trái hẳn với việc đòi hỏi phải làm theo như kiểu rập khuôn máy móc; càng không phải là cách học hình thức, qua loa, mà là đòi hỏi sự gương mẫu rất cao độ, rất sáng tạo và rất cầu thị của mỗi cán bộ, đảng viên; trở thành yêu cầu cấp thiết trong đời sống chính trị - xã hội hiện nay của Đảng ta và nhân dân ta.

Đại hội lần thứ XII của Đảng khi đặt yêu cầu tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” đã nhấn mạnh: Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm. Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII cũng nêu rõ: “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”. Theo đó, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cũng đặt ra yêu cầu: “Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị”.

Như vậy, chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của việc vận dụng tư tưởng, đạo đức nói chung và phong cách Hồ Chí Minh nói riêng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Xét về nội dung của phong cách Hồ Chí Minh thì không nằm ngoài những phẩm chất, tiêu chí trong công tác xây dựng Đảng hiện nay mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đề ra.

Những điểm nổi bật trong phong cách của Hồ Chí Minh được thể hiện trên các bình diện lớn là: 1) Phong cách về tư duy, trước hết là tư duy về phép biện chứng duy vật, xuất phát từ thực tiễn để trở lại biến đổi thực tiễn với những đặc trưng, như phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại; phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo; phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình trong mọi hoạt động. 2) Phong cách làm việc, được thể hiện trước hết ở phong cách lãnh đạo; làm việc khoa học và luôn đổi mới, sáng tạo. 3) Phong cách diễn đạt, thể hiện ở cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực; diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng có lượng thông tin cao; diễn đạt sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, sự ví von, so sánh cụ thể; diễn đạt luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng. 4) Phong cách ứng xử, thể hiện ở sự khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp; chân tình, nồng hậu, tự nhiên; linh hoạt, chủ động, biến hóa. 5) Phong cách sống, thể hiện ở sự cần, kiệm, liêm, chính; sống hài hòa, kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa Đông - Tây; đồng thời, tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên.

Những nội dung căn bản ấy đã hợp thành phong cách độc đáo về tư tưởng, đạo đức của Người, trở thành tài sản tinh thần vô giá của Đảng và của nhân dân ta.

Đối chiếu với nội dung công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, nhất là với 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, cho thấy không một biểu hiện nào không nằm trong những cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Và cũng không một biểu hiện nào mà Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhắc nhở cán bộ, đảng viên và Đảng ta, nhất là đối với những vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh trong nội bộ Đảng, chính quyền và trong xã hội.

Ở những thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh không dùng trực tiếp các khái niệm “suy thoái” tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhưng Người đã đề cập đến rất nhiều căn bệnh khác nhau. Có thể nói những căn bệnh đó đã được thể hiện trong cảnh báo từ rất sớm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh qua tác phẩm “Đường cách mệnh” được viết trong thời kỳ vận động thành lập Đảng từ những năm 1925 - 1927. Hồ Chí Minh đặt ra “Tư cách người cách mệnh”: 1) Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công, vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật; 2) Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người; 3) Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể. Những chỉ dạy đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Và, điều đặc biệt là chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện nó trong mỗi hành động, mỗi việc làm cho đến phút cuối cùng của cuộc đời. Người trở thành hiện thân của “tư cách người cách mệnh” và là tấm gương mà nhiều người khác có thể noi theo để làm người cách mạng và người dân tốt hơn. Phong cách nói đi đôi với làm trở thành một yêu cầu, một phương châm lớn và Người đã làm điều đó một cách cần mẫn, tinh tế, sáng tạo và trọn vẹn.

Để vận dụng phong cách Hồ Chí Minh vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, cần thực hiện một số điểm sau:

Một là, không ngừng học tập, để nhận thức sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và những giá trị to lớn của phong cách Hồ Chí Minh, làm cho phong cách của Người thật sự thấm sâu vào công tác cán bộ, trở thành nền tảng tinh thần để mọi cán bộ, đảng viên vận dụng sáng tạo vào công tác được giao. Mọi cán bộ, đảng viên phải thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập và làm theo phong cách của Người, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Hai là, bám sát nội dung phong cách Hồ Chí Minh, bám sát những giá trị cốt lõi trong phong cách của Người được thể hiện sinh động, tự nhiên, độc đáo, có sức thu hút, cảm hoá kỳ diệu trong hoạt động hằng ngày để vận dụng vào đời sống, công tác và ứng xử xã hội. Đó là: Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hoá, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương... Từ đó, cụ thể hóa và xác định những yêu cầu cơ bản về phong cách làm việc của từng loại công việc, từng đối tượng cán bộ cho phù hợp, tránh giáo điều, rập khuôn máy móc.

Ba là, từ nội dung phong cách Hồ Chí Minh, soi rọi vào những việc làm hiện nay của mỗi cán bộ, đảng viên; soi rọi vào những biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nhận diện, vừa để “sửa mình”, “sửa đổi lối làm việc”, chống lại các quan điểm sai trái, thù địch nhằm hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết, cần xóa bỏ tư tưởng “thần thánh hóa”; hoặc cho rằng phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là phong cách của một “bậc đại trí, đại nhân, đại dũng”, của một "nhà chính trị chuyên nghiệp"; hoặc sự giản dị, thanh bạch của Hồ Chí Minh là “cuộc sống khổ hạnh theo lối tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật” rất khó học tập, làm theo. Cần phải nhận thức rõ hơn những giá trị lớn lao trong phong cách Hồ Chí Minh là phong cách của một nhà khoa học chân chính, luôn thống nhất giữa tính đảng, tính chính trị với tính khoa học trong mỗi lời nói, việc làm và quan hệ công tác.

Bốn là, đưa việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng và của cấp ủy, phải trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Lấy kết quả vận dụng phong cách Hồ Chí Minh trong công tác làm một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng hằng năm.

 

TS. BÙI THẾ ĐỨC - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Nguồn: xaydungdang.org.vn

Sưu tầm: S.N 


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng