An Giang: Đoàn viên, thanh niên phòng, chống tội phạm
Phát huy vai trò xung kích của lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn tỉnh An Giang, Tỉnh đoàn phối hợp tuyên truyền, vận động lực lượng này cùng tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH).
Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp.
Toàn tỉnh An Giang hiện có 346.950 thanh niên (chiếm tỷ lệ 18,18% dân số của tỉnh), trong đó có 55.263 đoàn viên và 2.710 cán bộ Đoàn. Đây được xem là nguồn nhân lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, từ thực hiện nhiệm vụ chính trị đến tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên vi phạm pháp luật, bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào tội phạm và TNXH.
Từ tình hình thực tế này, với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tỉnh An Giang, Tỉnh đoàn chủ động xây dựng các văn bản triển khai, lồng ghép vào chương trình công tác Đoàn. Trên cơ sở đó, huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan, tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm và TNXH trong thanh, thiếu niên phù hợp tình hình thực tế, đạt được kết quả nhất định.
Trong đó, tập trung vào các sự kiện cao điểm tuyên truyền, như: Tháng hành động phòng, chống ma túy; Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy; Ngày phòng, chống mua bán người; Ngày pháp luật; Tháng hành động quốc gia phòng, chống AIDS. Năm 2021, đã tổ chức được 4.256 cuộc tuyên truyền, thu hút khoảng 80.370 lượt ĐVTN, học sinh, sinh viên tham gia.
Tỉnh đoàn phối hợp Sở Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thu hút 200 ĐVTN; phát động cuộc thi trực truyến tìm hiểu pháp luật, thu hút 12.885 lượt thí sinh tham gia. Tỉnh đoàn phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông, thu hút hơn 9.500 lượt ĐVTN; phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tọa đàm xây dựng gia đình trẻ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh với chủ đề “Bình đẳng giới - Hạnh phúc của mỗi gia đình”; tuyên dương gia đình trẻ ấm no, hạnh phúc. Tỉnh đoàn còn phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện chuyên mục "Truyền hình thanh niên", "Góc thanh thiếu niên học đường", "Nhịp sống trẻ".
Đồng thời, chỉ đạo huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc tăng cường tuyên truyền phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS và TNXH thông qua cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên bản tin, tờ tin, website, mạng xã hội do Đoàn, Hội, Đội quản lý, thu hút nhiều thanh, thiếu niên tham gia. Ngoài ra, các đơn vị còn đưa nội dung tuyên truyền vào sinh hoạt câu lạc bộ đội, nhóm, như: "Câu lạc bộ tuổi 17", "Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm và TNXH", "Câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật", "Câu lạc bộ nói không với ma túy"...
Năm 2021, tất cả 156 xã, phường, thị trấn đều xây dựng, duy trì mô hình, giải pháp tư vấn giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên yếu thế; giúp đỡ, giáo dục cảm hóa 197 thanh niên chậm tiến. Bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, Đội, báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn, để kịp thời cung cấp thông tin về tình hình tội phạm và TNXH trên địa bàn.
Triển khai mới và duy trì mô hình “Khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc TNXH”. 100% liên đội trường THCS và đoàn trường THPT ký kết giao ước thi đua, cam kết tham gia công tác phòng, chống ma túy và xây dựng lối sống lành mạnh, kiên quyết “Nói không với ma túy”. Sinh viên trường cao đẳng, đại học ký cam kết “3 không” (không sử dụng ma túy; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy; không dung túng, bao che cho tội phạm và tệ nạn ma túy).
Tỉnh đoàn còn thực hiện các nội dung giúp đỡ phát triển kinh tế gia đình, bảo lãnh, giới thiệu vay vốn; giới thiệu học nghề và giới thiệu việc làm... cho ĐVTN. Kết quả, tổ chức được 58 lớp đào tạo nghề, với 2.162 ĐVTN tham gia; 7 hoạt động tập huấn trang bị kiến thức khởi nghiệp cho 348 thanh niên; tư vấn hướng nghiệp cho 38.786 ĐVTN, giới thiệu việc làm cho 12.979 ĐVTN (7.362 người có việc làm).
Để làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động ĐVTN chấp hành pháp luật và tham gia phòng, chống tội phạm và các TNXH, điều tiên quyết là sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các ngành, các cấp, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động, không ngừng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm và TNXH, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội trong quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên.
Nguyễn Hưng