Hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Hiện nay, xu hướng bảo vệ môi trường và các sản phẩm bảo vệ, thân thiện với môi trường đang ngày càng được quan tâm, các sản phẩm này tập trung vào: sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thay thế các sản phẩm có nguồn gốc nhân tạo, ví dụ sản phẩm sản xuất từ các loại gỗ, các loại cây; sản phẩm có thể tái chế và phân hủy như các loại bao bì, túi đựng, đồ dùng hàng ngày; các sản phẩm không gây hại đến nguồn nước, môi trường; các loại vật liệu mới, công nghệ mới và năng lượng sạch.
Tại An Giang hiện nay, đã xuất hiện các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, rất nhiều ý tưởng trong số đó vẫn còn là “ý tưởng” chưa được hiện thực hóa, cụ thể hóa bằng sản phẩm, bởi khởi nghiệp đã “khó”, nay khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn “khó hơn” vì nó phải đáp ứng thêm một yếu tố quan trọng: thân thiện với môi trường.
Biết được những khó khăn đó, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang đã tiến hành rà soát và tiếp nhận hỗ trợ 05 ý tưởng, mô hình khởi nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, như: Chăn nuôi gà Đông tảo trên nền đệm lót sinh học và sử dụng thức ăn từ dế; Sản phẩm cây xanh, hoa trang trí từ vật liệu tái chế chai nhựa, bọc nilon, giấy cứng; Viên rơm nén trồng lan; Nghiên cứu chế tạo thuốc trừ sâu sinh học từ hạt sắn lép; Sử dụng mùn cưa trong sản xuất và sinh hoạt. Xuất phát từ nhu cầu, hiện trạng của từng ý tưởng, mô hình, Trung tâm đã phối hợp với Ban Thường vụ các huyện, thị, thành Đoàn và các ngành liên quan hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau.
Riêng ý tưởng sử dụng mùn cưa trong sản xuất và sinh hoạt hiện nay chỉ mới thành công ở bước nghiên cứu nghiên cứu và phân tích lợi ích kinh tế, lợi ích môi trường, các điều kiện về chuyên môn và cơ sở vật chất để tiến hành thực hiện. Trung tâm đã phối hợp với Huyện Đoàn Phú Tân quan tâm, hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật và đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, đây là ý tưởng khi đưa ra ứng dụng thực tế cần có sự liên kết chặt chẽ đầu vào – đầu ra lâu dài thì mới đạt hiệu quả cao nên cần thêm thời gian để phát triển và đưa vào thực tiễn.
Hình ảnh minh họa sử dụng mùn cưa trong bón cây trồng
Về ý tưởng nghiên cứu thuốc trừ sâu sinh học của Lê Thị Huỳnh Kim và Mai Thị Kiều Trang (huyện Thoại Sơn), xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường, 02 bạn này đã xây dựng ý tưởng và tiến hành phân tích, bước đầu thử nghiệm thành công trên rau xanh và cải ngọt ở môi trường nghiên cứu. Trung tâm tiếp tục phối hợp với Huyện Đoàn Thoại Sơn hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng.
Hình: Sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học từ hạt sắn lép tham gia trưng bày tại Ngày hội sáng tạo tỉnh An Giang năm 2020 (sản phẩm đầu tiên từ trái qua)
“Các ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay rất “hiếm”, tuy nhiên, không vì vậy mà chúng tôi rót vốn ào ạt để thực hiện mà cần phân tích tất cả các mặt về lợi nhuận kinh tế và tác động đến môi trường. Thêm nữa, người khởi nghiệp phải thật sự quyết tâm thì ý tưởng mới thành công. Quan điểm của chúng tôi khi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực môi trường là tư vấn thật kỹ về mặt kỹ thuật, nguồn gốc, nguyên liệu để sản phẩm đầu ra phải thật sự thân thiện, an toàn với môi trường và người sử dụng. Khởi nghiệp thì không nên vội vàng!”, chị Nguyễn Phượng Thư – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang chia sẻ./.
Dạ Thủy - Ban Thanh niên Nông thôn Công nhân và Đô thị Tỉnh Đoàn