Thanh niên khởi nghiệp từ vật liệu tái chế

Tái chế rác không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giúp cho môi trường sống xanh hơn, từ đó cuộc sống của mỗi người sẽ mạnh khỏe, hạnh phúc hơn. Bằng những sáng kiến và việc làm cụ thể, tất cả chúng ta cũng có thể tham gia vào các mô hình hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần nhằm chống rác thải nhựa cũng như có thể kiếm sống hoặc khởi nghiệp từ những việc làm này.

Những ai đã từng một lần đến xã Phú An, huyện Phú Tân hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy hoặc trực tiếp sờ vào những sản phẩm cây xanh trang trí được làm từ những vật liệu tái chế như chai nhựa, túi nilon, ống hút, bìa cứng... nhiều màu sắc và hình thức phong phú của thanh niên Lê Văn Sơn. Thông điệp mà anh Sơn muốn gửi gắm đến người trẻ là đồ vật cũ luôn có thể tái sử dụng mà không phải vứt đi. Chỉ cần một chút sáng tạo, chúng ta đã có thể góp một phần công sức nhỏ bé của mình giúp Trái Đất ngày càng xanh.

Anh Sơn chia sẻ, cơ duyên ban đầu đưa anh đến với công việc này là những buổi họp trong dự án thúc đẩy giảm nhựa và về các phương pháp tái sử dụng rác thải nhựa được tổ chức tại địa phương. Với mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp cùng tinh thần kinh doanh sôi sục sẵn có, sau khi tìm tòi học hỏi kinh nghiệm thực tế trên mạng xã hội, trải nghiệm thực tế tại các cơ sở làm đồ dùng trang trí đúc kết thành kinh nghiệm và bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Những sản phẩm của anh Sơn chủ yếu là sản phẩm cây xanh, hoa trang trí cho cơ quan, đơn vị và người tiêu dùng trên địa bàn huyện Phú Tân.

Hình: Sản phẩm cây xanh trang trí được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường

Hiện nay, mô hình này bước đầu triển khai thực hiện và tiến hành bán nhỏ, lẻ, bán trực tiếp cho các hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị, trường học; mô hình giải quyết được việc làm cho 02 lao động tại địa phương.

Đây là mô hình khởi nghiệp của thanh niên góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh và Huyện Đoàn Phú Tân quan tâm hỗ trợ, tư vấn về kiến thức truyền thông trên mạng xã hội, giới thiệu nguồn nguyên liệu tái chế phong phú. Vừa qua, mô hình cũng đã đạt giải Khuyến khích Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần thứ IV năm 2020. “Mặc dù sản phẩm trang trí nhà cửa, bàn làm việc thân thiện với môi trường hiện nay vẫn chưa phổ biến bởi tính nghệ thuật không cao như các sản phẩm trang trí bằng vật liệu khác nhưng tôi rất mong muốn sẽ phát triển mô hình thành địa điểm phân phối, tổ chức dạy nghề cho thanh niên nông thôn, đồng thời góp một phần nhỏ bé vào công tác bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng những sản phẩm thân thiện, không gây hại cho môi trường”, anh Sơn chia sẻ./.


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng