An Giang: Phát triển mô hình nuôi chồn hương theo hướng an toàn

Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế và khoa học công nghệ thì nhận thức của người tiêu dùng về thực phẩm ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu cao về thực phẩm sạch.

Nhu cầu về an toàn trong chế độ ăn uống càng được quan tâm và việc lựa chọn thực phẩm an toàn được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu, đặc biệt là những người thuộc thành phần thượng lưu, thương nhân, doanh nhân trong xã hội. Và điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất, thế nhưng, yêu cầu đặt ra đối với người sản xuất phải thường xuyên lựa chọn giống mới, cải tiến quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng.

 

Ảnh chồn hương.

Trong những năm gần đây, việc phát triển mô hình nuôi chồn hương theo hướng an toàn là một trong những mô hình mới đang có triển vọng phát triển cho hiệu quả kinh tế cao. Có thể nói, đây là mô hình không những phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện mà còn thỏa mãn được nhu cầu của người tiêu dùng; đặc biệt là các tầng lớp thượng lưu, thương nhân, doanh nhân trong xã hội thông qua các món quà, món ăn đẳng cấp để tạo lập các mối quan hệ trong công việc làm ăn.

Chồn hương là một loài động vật hoang dã, cơ thể tiết ra mùi thơm như trái mướp hương, chúng được sử dụng như một loại dược liệu quý hiếm. Không chỉ vậy, chồn hương còn được biết đến là món ăn đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng, quán ăn. Vì thế, chị Nguyễn Thị Chiển và chị Nguyễn Thị Biên Giới xây dựng dự án “Phát triển mô hình nuôi chồn hương Bảy Núi theo hướng an toàn trên địa bàn huyện Tịnh Biên” được thực hiện nhằm một mặt ứng dụng kết quả nghiên cứu phát triển kinh tế gia đình và cung cấp nguồn con giống tốt, chất lượng cho những hộ có nhu cầu; mặt khác, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất việc khai thác trái phép động vật hoang dã trong tự nhiên.

 

Mô hình nuôi chồn hương kiểu hình vuông.

Được thông tin về mô hình này, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh, huyện đoàn Tịnh Biên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, hướng dẫn triển khai thực hiện, giới thiệu tham gia các cuộc thi, tham dự các lớp tập huấn. Đặc biệt, mô hình này vừa đạt giải Ba Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần thứ V năm 2021.

 

Chị Chiển cùng chồn hương được chị nuôi.

Mô hình này có thể được xem là một mô hình vật nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao; mô hình không cần diện tích đất sản xuất lớn rộng, phù hợp với mọi loại đất tốt xấu khác nhau; kỹ thuật nuôi và chăm sóc rất đơn giản, không cần tốn nhiều công sức, có thể tận dụng sức lao động của người già và trẻ nhỏ; nguồn thức ăn rất dễ tìm và giá rẻ; sản phẩm làm ra an toàn và có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, mô hình này có thể góp phần đa dạng hóa vật nuôi, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, vừa góp phần bảo tồn động vật hoang dã và là mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả ở địa phương./.

Dạ Thủy (Ban Phong trào Tỉnh Đoàn)


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng