Giải pháp nào trong công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên nhằm tránh xa tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong thời gian tới?

Hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh vi phạm pháp luật, phạm pháp hình sự và mắc các loại tệ nạn xã hội (cờ bạc, sử dụng ma tuý…) có xu hướng ngày càng tăng và phức tạp. Để góp phần kéo giảm tình trạng nói trên, Tỉnh Đoàn có giải pháp như thế nào trong công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục trong lực lượng thanh thiếu niên nhằm tránh xa tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong thời gian tới?

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Thanh niên được xem là nguồn nhân lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh từ thực hiện nhiệm vụ chính trị đến tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận thanh niên vi phạm pháp luật, bị lôi kéo, dụ đỗ tham gia vào các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Tình trạng thanh thiếu niên phạm tội có chiều hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân:

- An Giang là tỉnh có đường biên giới dài khoảng 96,6 km, tiếp giáp 02 tỉnh Kandal và Takeo thuộc Vương quốc Campuchia, có 02 cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu quốc gia và 01 cửa khẩu phụ. Hàng ngày có rất nhiều người dân hai bên biên giới qua lại để làm ăn, giao thương, thăm thân nhân qua các đường mòn, lối mở tự phát rất khó kiểm soát. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại tội phạm lợi dụng hoạt động.

- Từ phía gia đình: Gia đình là yếu tố có hảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân trong thời kì thơ ấu. Bởi, kể từ khi mới sinh ra, gia đình là môi trường đầu tiên mà những đứa trẻ sinh sống, nhận thức của chúng bước đầu hình thành từ những hành vi của những người xung quanh, bao gồm cả những hành vi tốt hay không tốt, phần lớn các đối tượng vi phạm pháp luật rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, bố mẹ là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc, cha mẹ ly hôn, ly thân, trong gia đình thường xảy ra bạo lực hoặc việc quản lý, giáo dục trẻ chưa phù hợp, thiếu quan tâm đến trẻ, để trẻ em lang thang kiếm sống hoặc nuông chiều quá mức, để trẻ tiếp xúc với những thành phần xấu của xã hội, bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp.... Khi những bậc làm cha, làm mẹ nhận ra mình quá thờ ơ trong việc chăm sóc, giáo dục con em mình thì hậu quả đau lòng cũng đã xảy ra, trong khi con em họ còn quá nhỏ để gánh chịu những bi kịch ấy.

- Từ phía nhà trường: Trường học chính là nơi rèn luyện tri thức, nền tảng đạo đức, giúp uốn nắn nhân cách của mỗi con người. Do đó, nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ em, tuy nhiên công tác giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật và quản lý học sinh trong nhà trường còn nhiều hạn chế; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ, thường xuyên trong việc quản lý, giáo dục, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các em có biểu hiện vị phạm pháp luật…

- Từ phía xã hội: do mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội, đạo đức xã hội xuống cấp; môi trường xã hội không lành mạnh, tác động của sự du nhập của văn hóa, phim ảnh bạo lực và tệ nạn ma túy, cờ bạc, lối sống thực dụng, hưởng thụ, đã ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của người chưa thành niên,…

- Từ phía người chưa thành niên: phần lớn các đối tượng vi phạm pháp luật đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện về thể chất và tinh thần nên phần lớn, họ chưa tự làm chủ được bản thân nên dễ bị lôi kéo, kích động tham gia vào những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật; Mặt khác, do các em nhận thực còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, chưa biết các ứng xử giải quyết các tình huống khi xung đột; thiếu sự quản lý, giáo dục, quan tâm, không định hướng được tương lai dẫn đến những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, quan hệ xã hội mà vi phạm pháp luật.

- Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, văn hóa, đạo đức, lối sống trong thanh thiếu niên ở một vài đơn vị chưa được coi trọng đúng mức, còn thiếu cả về bề rộng và chiều sâu; công tác tiếp xúc, vận động đối tượng cá biệt còn yếu; nội dung tuyên truyền chưa thực sự phong phú hấp dẫn; việc tiếp xúc vận động, cảm hóa, giáo dục đối tượng nghiện các chất ma tuý gặp nhiều khó khăn, do thiếu sự hợp tác của đối tượng hoặc cán bộ ngán ngại tiếp xúc với đối tượng. Do vậy, một bộ phận không nhỏ đối tượng là người chưa thành niên khi thực hiện hành vi mà không biết rằng đó là hành vi phạm tội.

- Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự chưa toàn diện, sâu sát như việc quản lý đối tượng tại cộng đồng dân cư, quản lý nhân, hộ khẩu, quản lý tạm trú, tạm vắng chưa kịp thời. Đây chính là một trong những sơ hở làm tội phạm nảy sinh, tồn tại và phát triển.

Nhận thức rõ hiểm họa của các loại tệ nạn xã hội khác đối với xã hội, nhất là đối với thanh thiếu niên, hàng năm Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thanh thiếu niên, đảm bảo đúng đối tượng, nghiên cứu đổi mới hình thức và nội dung, tập trung tuyên truyền tại các khu vực trọng điểm, nơi có tình hình phức tạp về an ninh trật tự. Đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội vào sinh hoạt chi đoàn, chi hội, chi đội, các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tuần lễ công dân và các Câu lạc bộ (CLB) tuổi 17, CLB Tuổi trẻ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, CLB tuyên truyền pháp luật, CLB nói không với ma túy, CLB Sống khỏe, CLB Tuổi trẻ với pháp luật, CLB tiền hôn nhân, Đội Thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”; Đội tuyên truyền măng non trong trường học... Đồng thời, đa dạng hóa về nội dung, phương thức thông tin, giáo dục, truyền thông đảm bảo tính thân thiện, phù hợp với từng đối tượng, từng lứa tuổi thanh niên, từng địa bàn; lồng ghép các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại cơ sở đoàn, để kịp thời cung cấp thông tin về công tác phòng, chống ma tuý, các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh để phổ biến, tuyên truyền trong thanh thiếu niên nhằm nâng cao ý thức cảnh giác. Đẩy mạnh việc tổ chức các hình thức truyền thông trực tiếp như: nói chuyện chuyên đề, gặp gỡ người thật việc thật; tổ chức hội nghị tuyên truyền; trình chiếu hình ảnh, video clip về phòng, chống tệ nạn ma túy và tội phạm mua bán người; thi diễn tiểu phẩm với nội dung về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội phục vụ ở các địa phương, nhất là vùng nông thông, vùng đồng bào dân tộc, ... Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo mỗi Đoàn xã, phường, thị trấn xây dựng ít nhất 01 mô hình, giải pháp tư vấn giúp đỡ, hỗ trợ thanh thiếu niên yếu thế; giúp đỡ, giáo dục, cảm hóa ít nhất 01 thanh niên chậm tiến được công nhận tiến bộ và xây dựng ít nhất 01 điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền gương người tốt, việc tốt và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên. Đến nay, toàn tỉnh có 42 mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội” và mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”. Từ cuối năm 2019, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, một số nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên được chuyển sang hình thức trực tuyến (Hội nghị tuyên truyền phòng chống ma tuý, Các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật được tổ chức dưới hình thức trực tuyến…).

Đồng thời, chỉ đạo Đoàn trong khối trường học phối hợp với ngành Công an và ngành Giáo dục thực hiện 100% các Liên Đội trường THCS và Đoàn trường THPT ký kết giao ước thi đua, cam kết tham gia công tác phòng, chống ma túy và xây dựng lối sống lành mạnh, kiên quyết “Nói không với ma túy” và ngăn chặn tình trạng “Ma túy xâm nhập vào học đường”; sinh viên các trường TC, CĐ, ĐH trên địa bàn ký cam kết “3 không” trong phòng chống ma túy (không sử dụng ma túy; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy; không dung túng, bao che cho tội phạm và tệ nạn ma túy).

Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn thường xuyên phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang (01 lần/ tháng) và Báo An Giang thực hiện các Chuyên mục “Truyền hình thanh niên” trên sóng truyền hình, Góc thanh thiếu niên học đường, Nhịp sống trẻ. Đồng thời, thông qua các bản tin, tờ tin, website của tổ chức Đoàn và trên các trang mạng xã hội thu hút nhiều thanh thiếu niên tham gia như: Facebook, Twitter, Zalo, Instagram... Qua đó, giúp ĐVTN am hiểu về pháp luật, vững vàng về tư tưởng cũng như bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ góp phần cùng cộng đồng và xã hội thực hiện tốt phương châm “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”.

Ngoài ra, các cấp Đoàn còn chủ động phối hợp với các cấp, các ngành và các đoàn thể theo các chương trình, kế hoạch phối hợp như: Công an, Lao động - Thương binh và xã hội, Ủy ban MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ... nhằm tạo hiệu ứng trong công tác PCTP, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội. Tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của các cơ sở giáo dục, gia đình các đối tượng trong giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ TTN chậm tiến, sau cai, hoàn lương và đối tượng bị mua bán... tái hòa nhập cộng đồng. Thực hiện các nội dung giúp đỡ phát triển kinh tế gia đình, bảo lãnh, giới thiệu vay vốn; giới thiệu học nghề và giới thiệc việc làm... Đồng thời, vận động tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể và tuyên truyền trở lại cho TTN và người dân.

Từ thực trạng và những nguyên nhân chủ yếu trên, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung vào các giải pháp sau đây:

- Gia đình phải quan tâm, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho các em ngay từ khi còn nhỏ. Bởi giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa là giáo dục cách làm người, cách đối nhân xử thế, giáo dục cách sống tốt đẹp, đúng chuẩn mực. Khi người chưa thành niên biết sống phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội thì sẽ hạn chế được nguy cơ phạm tội. Bên cạnh đó, gia đình phải bồi dưỡng, giáo dục cho người chưa thành niên nhận thức đúng, có hành vi chuẩn mực và có kiến thức pháp luật. Gia đình nên giới thiệu các kiến thức pháp luật một cách có lựa chọn, có hệ thống nhằm giúp cho các em hiểu được đâu là hành vi hợp pháp, đâu là hành vi vi phạm pháp luật, biết mình nên làm gì và không nên làm gì. Như vậy, sẽ hình thành cho các em ý thức tránh xa hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội sau này.

- Nhà trường cần tổ chức các biện pháp quản lý khoa học, chặt chẽ đối với học sinh. Làm tốt công tác này sẽ tạo điều kiện cho các em chấp hành kỷ luật với ý thức từ thấp đến cao, tạo thành ý thức tự giác cho các em ngay từ khi còn nhỏ, giúp các em hình thành thói quen, chấp hành nghiêm nội quy của nhà trường. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thầy, cô giáo trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh. Hình ảnh của các thầy, cô giáo có ảnh hưởng, tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách, trạng thái tâm lý của học sinh. Ngoài ra, cần phải tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường và phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với gia đình trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý giáo dục các em phát triển toàn diện.

- Sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.

- Phối hợp vận động, quản lý, giám sát, giúp đỡ, định hướng, tạo ra các sân chơi lành mạnh, an toàn cho thanh thiếu niên; giúp họ nhận thức rõ được hậu quả, tác hại của các loại tệ nạn xã hội đối với gia đình và xã hội để chủ động phòng tránh.

- Tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma tuý. Duy trì và nâng chất hoạt động của mô hình, CLB tuổi 17, CLB Tuổi trẻ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, CLB tuyên truyền pháp luật, CLB nói không với ma túy, CLB Sống khỏe, CLB Tuổi trẻ với pháp luật; CLB Tiền hôn nhân; Đội Thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”; Đội tuyên truyền măng non trong trường học... Xem đây là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên trong thời gian tới.

- Quan tâm xây dựng, kiện toàn các ban chỉ đạo liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội ở các cấp đảm bảo đủ số lượng, chất lượng. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức về công tác phòng, chống ma tuý cho cán bộ đoàn viên, thanh niên làm công tác tuyên truyền, vân động... đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Tăng cường công tác hỗ trợ thanh thiếu niên, nhất là đối tượng hoàn lương, yếu thế tiếp cận được các nguồn vốn vay, quỹ hỗ trợ để phát triển kinh tế, có nghề nghiệp và việc làm ổn định.

- Đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các cấp; thực hiện xã hội hoá các nguồn lực trong phối hợp phòng, chống tội phạm; đảm bảo chế độ bồi dưỡng cho cán bộ đoàn viên, thanh niên làm công tác tuyên truyền, vận động.

- Nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, kịp thời biểu dương khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.

Ban Biên Tập


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng